Ăn lạc mốc bị ung thư
Các Website khác - 14/04/2005

"Nghe nói ăn lạc mốc có nguy cơ bị ung thư. Điều này có đúng không? Ăn các loại hạt khác bị mốc có nguy hiểm như thế không?".

Trả lời:

Điều bạn lo lắng là có thật. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định: một số nấm mốc, đặc biệt các chủng vi nấm Aspergillus flavus, Asp. Parasiticus và Asp. Nomius có thể gây nhiễm độc gan và ung thư gan.

Không riêng gì lạc mốc mà một số loại lương thực thực phẩm khác (như các loại ngũ cốc, đậu đỗ, vừng, hạt hướng dương, nước chấm lên men vi sinh, khô lạc...) khi bị mốc cũng độc với gan, nhưng hay gặp hơn cả là lạc mốc.

Độc tố vi nấm có tên là aflatoxin, rất bền vững ở nhiệt độ cao. Rang hay luộc chỉ có thể làm chết các bào tử mốc và làm giảm được phần nào độc tính chứ không phá hủy được hoàn toàn độc tố. Do đó, không nên nghĩ rằng lạc mốc đã rang kỹ hoặc luộc kỹ sẽ vô hại. Ăn phải lạc mốc sẽ bị nhiễm độc thần kinh, biểu hiện bằng các triệu chứng như co giật, liệt, rối loạn vận động, tổn thương thận; xuất huyết, hoại tử và thoái hóa gan. Ăn thường xuyên, ít một cũng gây rối loạn chức năng gan, dẫn đến xơ và ung thư gan. Đây là một trong những chất gây ung thư mạnh nhất qua đường miệng. Chỉ cần hấp thu phải 2,5 miligam aflatoxin trong 89 ngày thì sau hơn một năm đã có thể khởi phát bệnh ung thư gan.

Vi nấm Aspergillus phát triển mạnh và sinh độc tố ở nhiệt độ 30 độ C, độ ẩm 85% và một hàm lượng nước thích hợp (từ 9% trở lên) trong hạt lạc. Do đó, muốn để dành lạc, tránh bị mốc, bạn phải loại bỏ hết những hạt giập, vỡ, loại bỏ những lô lạc chớm bị mốc để tránh mốc lây lan sang lô lành rồi phơi thật khô đến khi hàm lượng nước trong lạc chỉ còn dưới 7,5% mới có thể yên tâm. Cất giữ lạc ở nơi khô, mát và giữ sao cho các lớp vỏ được nguyên vẹn. Có thể đựng lạc đã phơi thật khô trong lọ sành, có phủ tro bếp sạch và nút kỹ bằng lá chuối khô.

Nếu thấy có hiện tượng mốc dù là lạc hay các loại hạt khác, bạn cần kiên quyết bỏ ngay, không nên tiếc của.

BS Nguyễn Hưng Thịnh, Sức Khỏe & Đời Sống