Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở y tế Tây Ninh cho biết, bệnh nhân 16 tuổi dương tính với virus H5N1 có thể do trực tiếp làm thịt và ăn gà tự tay mang về từ An Giang, không phải gia cầm nuôi trong nhà. Địa bàn huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh từ trước đến nay chưa hề xảy ra dịch.
Theo ông Khanh, bệnh nhân H. quê Tân Thành, Đồng Tháp, đi làm thuê ở Tây Ninh 2 tháng nay. Ngày 12/12, sau 1 tuần đi thăm người thân ở An Giang, cô có mang về một lồng gà gồm 5 con, trong đó, có một con đã có biểu hiện rù. H. cũng tự tay làm thịt cho cả gia đình ăn, gồm 5 người.
Sau 2 ngày, bệnh nhân cảm cúm, nhức đầu nên được chuyển đến Bệnh viện Dương Minh Châu, Bệnh viện Đa Khoa Tây Ninh, cuối cùng chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trong tình trạng hôn mê, thở máy. Cơ sở này cũng xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và kết quả là dương tính với H5N1.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS cho biết, để khẳng định chắc chắn, Cục đã yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm lại. Theo kết quả vừa được công bố chiều nay, các chuyên gia đã tìm thấy kháng thể của virus H5N1 trong mẫu bệnh phẩm của cô H., chứng tỏ bệnh nhân đã có lúc bị nhiễm virus này. Để khẳng định virus đó có trong cơ thể ở thời điểm hiện tại hay không, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục làm các xét nghiệm phân lập virus. Ông Bình cho biết, việc tìm thấy kháng thể của H5N1 chưa đủ để khẳng định có loại virus này trong người vì nó có thể là dấu vết của lần nhiễm trước. Chẳng hạn, cách đây ít lâu, kháng thể H5N1 đã được tìm thấy ở 5 người Nhật Bản; nhưng các xét nghiệm sau đó chỉ tìm thấy virus này ở một người.
Về những người cùng ăn thịt gà với cô H. hôm 12/12, cơ quan y tế dự phòng tỉnh Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu cũng đã xét nghiệm tìm kháng thể H5N1 cho họ và kết quả là âm tính. Số người này đã được cho uống vacxin phòng bệnh cúm. Cán bộ y tế, uỷ ban xã cũng túc trực theo dõi diễn biến từng người, phát hiện những dấu hiệu sớm nhất nếu có.
Theo ông Tôn Thất Hàn, Chi cục trưởng Thú y Tây Ninh, địa bàn huyện Dương Minh Châu là an toàn nhất từ trước đến nay, không có dịch trong đợt tháng 2-3/2004. Cán bộ thú y đã lấy mẫu huyết thanh 4 con gà khỏe còn lại, gửi xét nghiệm trước khi tiêu hủy. Khu vực nhà bệnh nhân cũng được khử trùng, tiêu độc.
Đối phó nguy cơ dịch tại Tây Ninh trong thời điểm này, ông Hàn cho hay, lực lượng thú y tỉnh tập trung vào các ổ dịch cũ và kiểm soát tình hình xuất - nhập gia cầm. Các ổ dịch cũ sẽ tiêu độc, sát trùng thường xuyên. Bà con chăn nuôi trở lại phải khai báo, kiểm tra đủ điều kiện mới cho phép. Thú y phối hợp với chính quyền xã, ấp đến từng hộ gia đình giám sát chấp hành.
Bên cạnh đó, con giống nhập vào và gia cầm xuất khỏi Tây Ninh đều được kiểm dịch chặt chẽ. Hiện, khu vực ráp biên giới có 2 trạm quốc tế và 5 trạm tiểu ngạch. Hướng về giáp ranh các tỉnh miền Tây, Đông, giáp TP HCM, Long An, Bình Dương... cũng đặt nhiều chốt dọc các cầu, phà.
Tuy vậy, ông Hàn thừa nhận, không thể loại trừ tình trạng lén lút vận chuyển gia cầm vào TP HCM theo đường mòn. "Ăn thua là thành phố làm gắt, phối hợp với các tỉnh: gia cầm đi phải có chứng nhận kiểm dịch. Có trường hợp đi mấy chuyến bị phạt, lần sau tự khắc tìm đến thú y tự nguyện làm giấy". Trung bình tỉnh này cung cấp cho thành phố vài nghìn con gia cầm mỗi ngày.
Thanh Lê
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Chữa hen phế quản ở trẻ em (31/12/2004)
▪ Ra mồ hôi đầm đìa (31/12/2004)
▪ Hạ đường huyết - tai biến nguy hiểm với bệnh nhân tiểu đường (31/12/2004)
▪ Những thực phẩm tốt cho tóc (31/12/2004)
▪ Đừng ăn lạc trước khi hôn (31/12/2004)
▪ Bệnh nhân H5N1 nhiễm bệnh từ gà tỉnh khác (31/12/2004)
▪ VN: Tỷ lệ mắc sâu răng và bệnh quanh răng cao nhất thế giới (31/12/2004)