Bệnh quai bị lây do học sinh dùng chung cốc
Các Website khác - 02/12/2004
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, bác sĩ Lê Thanh Hải
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, bác sĩ Lê Thanh Hải.

Từ tháng 10 đến nay, tại huyện Cần Giờ và quận 11, TP HCM đã xuất hiện nhiều trường hợp trẻ mắc quai bị, đa số là học sinh tiểu học tự lây lẫn nhau. VnExpress đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM về việc này.

- Dịch quai bị ở quận 11 và huyện Cần Giờ hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Tình hình đã tạm ổn, từ đầu tuần không thấy báo cáo có ca nào mới. Bệnh quai bị xuất hiện lẻ tẻ, con số 123 trường hợp ở quận 11 và hơn 130 ca ở huyện Cần Giờ là cộng dồn từ tháng 9, không phải xuất hiện ồ ạt. Thời điểm tháng 11 mùa lạnh nên dịch bùng phát mạnh hơn. Tuy nhiên, quai bị chỉ là bệnh thông thường, lành tính, có khắp trên thế giới và lây qua không khí hoặc tiếp xúc, thậm chí không nguy hiểm bằng bệnh cúm.

Ngay khi thông báo, đội y tế dự phòng cơ sở đã trực tiếp xuống các trường tiểu học Đồng Hòa, Long Thạnh và Hòa Hiệp thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ và trường Lê Đại Hành ở quận 11, kiểm tra, phun xịt thuốc để ngăn chặn virus tiếp tục hoạt động. Hiện đã cách ly các cháu, không cho tiếp xúc với cộng đồng.

- Tại sao dịch xuất hiện ở các trường tiểu học Cần Giờ và quận 11 mà không phải nơi khác?

- Theo quan sát, tại các trường mầm non, tiểu học ở đây, các cháu uống chung ly nước nên khả năng lây lan lớn. Nhiều phụ huynh biết con mình sốt nhưng không cho nghỉ học, đến khi chính thức biết cháu đã mắc quai bị, thì bệnh đã kịp lây cho các cháu khác. Mặt khác, bây giờ là thời điểm giao mùa, virus có điều kiện phát triển, cộng thêm miễn dịch của trẻ em không bằng người lớn.

- Ngoài huyện Cần Giờ và quận 11, bệnh quai bị đang lan sang những địa bàn nào?

- Theo số liệu báo cáo thời điểm cuối tháng 11, Bình Chánh là huyện có số ca mắc quai bị nhiều hơn cả và đang triển khai các biện pháp phòng chống.

- Làm thế nào để nhận biết trẻ mắc quai bị?

- Khi trẻ có các dấu hiệu sau: sốt, đau khi ăn, khi nhai nuốt, phần gốc hàm sưng. Tổn thương chủ yếu tập trung tuyến mang tai, nước bọt. Phụ huynh và giáo viên rất dễ nhận thấy bằng cách quan sát bên ngoài, khi phần má cằm hơi sưng, hoặc thấy cháu biếng ăn, kêu đau khi nuốt. Chữa bệnh này không có thuốc đặc trị, chủ yếu để trẻ nghỉ ngơi, sau 10 ngày sẽ tự hết. Nếu trẻ đã một lần mắc sẽ không bao giờ bị nữa.

Trường hợp biến chứng như viêm tinh hoàn ở nam và viêm teo buồng trứng ở nữ rất hiếm, phụ thuộc vào thể trạng và việc giữ gìn khi trẻ mắc bệnh. Nếu có dấu hiệu sốt, nghi ngờ quai bị, phụ huynh nên cho con em mình nghỉ học, nghiêm cấm chạy nhảy đá banh vì sẽ gây biến chứng.

- Xin ông cho biết biện pháp phòng và ngăn chặn sự lây lan của bệnh?

- Các trường tiểu học đều có cán bộ y tế. Nhân viên y tế sẽ thông báo cho tất cả cô giáo cùng đi kiểm tra thường xuyên, phát hiện sớm các cháu bị bệnh để cách ly kịp thời. Ban Giám hiệu các trường sẽ cho học sinh sử dụng ly uống riêng biệt, tránh tiếp xúc. Về phía phụ huynh, nên đưa con em đi chích ngừa quai bị tại các cơ sở y tế, chi phí khoảng 100.000 đồng/lần.

Lê Nhàn thực hiện