Bị rong huyết, hãy nghĩ đến ung thư cổ tử cung
Các Website khác - 15/06/2005

Chị Xuân Hà, một nữ thư ký xinh đẹp 28 tuổi ở TP HCM đột nhiên rong huyết vài ngày nhưng không để ý vì nghĩ là do người “nóng”. Sau 4-5 tháng lặp lại tình trạng này, chị đi khám ở Bệnh viện Ung bướu và bị sốc khi biết mình mắc ung thư cổ tử cung.

Theo bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, có nhiều nguyên nhân gây huyết, nhưng trước hết chị em phải nghĩ đến ung thư cổ tử cung (UTCTC) để có thể phát hiện bệnh lúc còn sớm, khi đó cơ hội trị khỏi sẽ rất cao. Như trường hợp của chị Xuân hà kể trên là rất may mắn, vì bệnh còn ở giai đoạn sớm. Nhiều bệnh nhân khác do “lu bu chuyện nhà” hoặc “chủ quan” vì thấy mình vẫn mạnh khỏe nên đã bỏ qua “cơ hội vàng” để điều trị hiệu quả.

Điển hình là trường hợp của bà Thu Ngà, 45 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp. Trong những lần rong huyết đầu tiên, bà tự mua thuốc uống. Rồi hiện tượng rong huyết cũng hết nên bà không quan tâm. Hơn nửa năm sau, trong một lần gánh lúa, bà Ngà bỗng thấy ra máu xối xả; chuyển đến trạm y tế, rồi bệnh viện tỉnh cũng không cầm được. Tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, bà được phát hiện UTCTC thời kỳ 3. Lúc này, bệnh nhân gầy gò, da trắng bệch, phát ra mùi hôi nồng nặc và luôn rên rỉ vì đau nhức.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 ca UTCTC mới, 80% thuộc về các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á. Khảo sát các trường hợp UTCTC từ 25 quốc gia khác nhau, người ta phát hiện 99,7% trường hợp có sự hiện diện của Virus human papilloma (HPV). Virus này có hơn 150 type khác nhau, trong đó hơn 40 type gây ra nhiễm trùng đường sinh dục. Khoảng 70% người lớn có hoạt động tình dục bị nhiễm HPV tạm thời, 10%-20% nhiễm phải type có nguy cơ gây ung thư cao.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh này là quan hệ tình dục sớm, sinh nhiều, có nhiều bạn tình... Tại Việt Nam, tình trạng sinh nhiều đang giảm mạnh, nhưng hiện tượng quan hệ tình dục sớm lại tăng lên. Theo điều tra của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở giới trẻ Việt Nam hiện nay đã hạ từ 19 tuổi xuống còn 14,2 tuổi.

Bác sĩ Lưu Văn Minh, Trưởng khoa Xạ 1B Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, UTCTC hoàn toàn có thể phát hiện sớm bằng xét nghiệm tế bào âm đạo (xét nghiệm Pap). Mọi phụ nữ trên 30 tuổi đã lập gia đình nên làm Pap 6-12 tháng/lần, giá 20.000 đồng. Nếu phát hiện tế bào có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho làm thêm nhiều xét nghiệm khác. Nếu phát hiện sớm, 95% bệnh nhân UTCTC được điều trị tốt.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu văcxin ngừa HPV (Cervarix) và chế phẩm này có thể ra đời vào năm 2007. Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh đang thử nghiệm liệu pháp chích 3 mũi Cervarix trong vòng 6 tháng để mang lại sự miễn dịch suốt đời cho phụ nữ. Tiến sĩ Szarewski thuộc trung tâm này cho biết, một vài type HPV là tác nhân chính gây ra 99% số ca UTCTC. Khi văcxin ra đời, nó sẽ giúp phụ nữ tránh được 70% nguy cơ bị UTCTC. Tuy nhiên, văcxin chỉ hiệu quả ở trẻ nữ chưa quan hệ tình dục.

(Theo Người Lao Động)