Chữa tiêu chảy bằng thảo dược
Các Website khác - 30/04/2005
Quế có tác dụng chữa tiêu chảy.

Theo y học cổ truyền, tiêu chảy xảy ra do công năng của tỳ vị bị giảm sút, không vận hóa được thức ăn, hoặc do can tỳ không điều hòa. Tùy theo tình trạng và nguyên nhân, Đông y có những bài thuốc khác nhau.

Tiêu chảy cấp tính

Do hàn thấp: Thường do nhiễm lạnh, lên men sinh hơi. Các triệu chứng là đau đầu, đau mình, đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, hơi sợ lạnh, sợ gió, tiểu tiện ít.

- Bạch biển đậu 12 g, rau má sao vàng 10 g; hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề mỗi vị 8 g, sa nhân 3 g, gừng 2 g. Sắc uống ngày một thang.

- Hoắc hương 12 g, vỏ vối (nam hậu phác) 10 g; sa nhân, vỏ rụt (nam mộc hương), trần bì, hương phụ, hạt vải mỗi vị 8 g. Tán bột làm viên, uống ngày 10 g, hoặc sắc uống ngày một thang.

- Hoắc hương 40 g; hậu phác, đại phúc bì mỗi vị 12 g; tô diệp, cát cánh, bạch chỉ, bạch truật mỗi vị 10 g, phục linh 8 g; trần bì, bán hạ chế, cam thảo mỗi vị 6 g, gừng 4 g, đại táo 4 quả. Tán bột, mỗi ngày uống 16-20 g. Hoặc dùng dạng thuốc sắc, ngày một thang.

Do thấp nhiệt: Tương ứng với tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Các triệu chứng là nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần, phân lổn nhổn, mùi thối, nóng đỏ rát hậu môn, tiểu tiện ít, đỏ.

- Bạch biển đậu 20 g; sa nhân, thảo quả, ô mai, sắn dây mỗi vị 12 g, cam thảo 6 g. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20 g với nước chè đặc.

- Sắn dây, kim ngân hoa, rau má sao, cam thảo dây, hậu phác mỗi vị 12 g; hoàng liên, mã đề mỗi vị 10 g. Sắc uống ngày một thang.

- Nhân trần 20 g, kim ngân hoa 16 g, cát căn, hoàng cầm, mộc thông mỗi vị 12 g, hoàng liên 8 g; cam thảo, hoắc hương mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày một thang.

Do ăn uống: Ăn nhiều thịt, mỡ, sữa. Các triệu chứng là bụng đau nhiều, chướng bụng, phân thối, ợ hơi, đại tiện xong đỡ đau.

- Vỏ rụt 12 g, thần khúc, thảo quả, lá ổi, hoắc hương mỗi vị 8 g, can khương 6 g. Tán bột làm viên, ngày uống 8-10 g.

- Bạch truật 12 g, chỉ thực, hoàng cầm, hoàng liên, trạch tả, thần khúc mỗi vị 8 g; phục linh, đại hoàng mỗi vị 6 g. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20 g.

- Sơn tra, bán hạ chế, phục linh mỗi vị 12 g, thần khúc 8 g; trần bì, liên kiều, hạt cải củ mỗi vị 4 g. Sắc uống ngày một thang, hoặc tán bột uống mỗi ngày 20 g.

Tiêu chảy mạn tính

Do tỳ vị hư: Thường gặp ở các trường hợp rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, loạn khuẩn, viêm đại tràng mạn tính. Các triệu chứng là phân sống và nát, ăn kém, người mệt mỏi, sắc mặt vàng nhợt, có thể có phù dinh dưỡng.

- Bố chính sâm, củ mài, ý dĩ sao mỗi vị 12 g; sa nhân, trần bì mỗi vị 8 g; gừng khô, vỏ rụt mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày một thang.

- Bạch truật, đẳng sâm, hoài sơn sao, ý dĩ sao mỗi vị 12 g; phục linh, trần bì mỗi vị 8 g; cam thảo, sa nhân mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày một thang.

- Đẳng sâm, bạch biển đậu, bạch truật, ý dĩ sao, liên nhục mỗi vị 12 g; cam thảo, trần bì, cát cánh mỗi vị 6 g. Tán bột, mỗi ngày uống 20 g, hoặc sắc uống ngày một thang.

Do thận dương hư: Thường gặp ở người già tiêu chảy mạn tính. Các triệu chứng là hay tiêu chảy vào buổi sáng sớm, sôi bụng, đau bụng ở vùng hạ vị, phân thường sống, bụng lạnh, chướng, kém ăn, chậm tiêu, tay chân lạnh.

- Nụ sim, phá cố chỉ, thỏ ty tử, trần bì mỗi vị 20 g; vỏ ổi dộp, vỏ quả lựu, hoắc hương mỗi vị 12 g, gừng khô 8 g, quế 6 g. Tán nhỏ, mỗi ngày uống 20 g.

- Bố chính sâm, tục đoạn, củ mài sao, phá cố chỉ mỗi vị 12 g; nhục quế, can khương, vỏ rụt, sa nhân, vỏ quýt mỗi vị 8 g. Tán bột, mỗi ngày uống 20 g.

- Phá cố chỉ 16 g, nhục đậu khấu, ngô thù du mỗi vị g, ngũ vị tử 6 g. Tán nhỏ, mỗi ngày uống 20 g, hoặc dùng dạng thuốc sắc ngày một thang.

- Đẳng sâm, bạch truật, phá cổ chỉ mỗi vị 12 g; can khương, cam thảo sao, nhục đậu khấu, ngũ vị tử mỗi vị 6 g, ngô thù du 4 g. Sắc uống ngày một thang.

GS Đào Thị Nhu, Sức Khỏe & Đời Sống