2 phương pháp mới chữa viêm và thoái hóa khớp
Các Website khác - 29/04/2005
Tiêm dược chất phóng xạ vào ổ khớp để chữa viêm khớp dạng thấp.

Đây là 2 bệnh lý về khớp rất phổ biến và gây nhiều nỗi đau đớn khổ sở cho người bệnh, lại khó chữa. Hiện có 2 phương pháp mới điều trị hiệu quả, đó là cắt bao hoạt dịch bằng phóng xạ và tiêm hyaluronate vào khớp gối.

Cắt bao hoạt dịch bằng phóng xạ chữa viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là tuổi 30-60. Bệnh ít khi trực tiếp làm chết người, nhưng lại gây đau đớn, bất lực, tật nguyền và mất việc làm. Tiến sĩ Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, coi nó là bệnh khớp nặng nhất và khó điều trị nhất. Đây là bệnh lý mạn tính, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu thường kéo dài 1-3 năm, bệnh nhân bị sưng, nóng, đỏ, đau khớp, hạn chế vận động do viêm màng hoạt dịch. Giai đoạn sau, sụn khớp và đầu xương bị tổn thương, gây biến dạng, dính khớp, mất khả năng vận động. Lúc này, bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút...

Việc tiêm corticoid vào khớp có thể thất bại ở một số bệnh nhân. Những người này cần có giải pháp khác. Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã dùng một dược chất phóng xạ tiêm thẳng vào ổ khớp để tiêu hủy bao hoạt dịch, giải quyết được nguồn gốc đau. Tiến sĩ Anh Thư cho biết, đây là kỹ thuật điều trị viêm khớp dạng thấp hiện đại nhất. Nhưng thuốc không thể mua được ở thị trường, mà do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới cung cấp. Bệnh viện nào muốn áp dụng phải phát triển được ngành y học hạt nhân, có chuyên gia thành thạo kỹ thuật vì nếu tiêm thuốc ra ngoài khớp thì các cơ quan lân cận sẽ bị tiêu hủy. Mặt khác, các bác sĩ cũng phải chọn được bệnh nhân phù hợp. Tiến sĩ Anh Thư cho biết, bệnh nhân phải kháng trị những phương pháp cũ mới được xếp vào điều trị.

Trong 7 ca đầu tiên được chữa trị bằng phương pháp trên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 4 ca đạt kết quả rất tốt sau 6 tháng theo dõi.

Chữa thoái hóa khớp gối bằng cách tiêm hyaluronate

Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM, cho biết, thoái hóa khớp gặp ở nữ nhiều hơn nam, trong đó thoái hóa khớp gối chiếm 27-30%, với triệu chứng đau khớp gối, cứng khớp vào buổi sáng, có tiếng lạo xạo trong khớp. Bình thường, trong dịch và mô khớp chứa hyaluronate có tác dụng bôi trơn, giảm xóc và bảo vệ khớp. Trong thoái hóa khớp, số lượng và chất lượng hyaluronate giảm đi, khiến dịch kém lỏng và giảm độ nhớt. Trước đây, việc sử dụng dài ngày các thuốc kháng viêm, giảm đau kéo dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ (loét, thủng, xuất huyết tiêu hóa...). Khi tàn phế hoặc có nguy cơ tàn phế, bệnh nhân phải được thay khớp.

Liệu pháp tiêm hyaluronate trực tiếp vào khớp gối đã được áp dụng trên thế giới vào thập niên 90 thế kỷ qua, nhưng mới du nhập vào Việt Nam. Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương do bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh thực hiện trên 30 bệnh nhân cho thấy, 63% ca đạt kết quả tốt hoặc rất tốt nhờ tiêm hyaluronate, 30% đạt kết quả trung bình. So với cách tiêm corticoid vào khớp gối trước đây, việc tiêm hyaluronate không gây nhiều tác dụng phụ (tổn thương sụn, ảnh hưởng đường huyết, phản ứng viêm tại chỗ...) mà hiệu quả tác dụng lại dài hơn. Tuy nhiên, việc điều trị thoái hóa khớp đòi hỏi một chiến lược toàn diện (giảm cân, tập luyện, dùng thuốc...), không thể chỉ dựa vào thuốc. Mặt khác, liệu pháp tiêm hyaluronate chỉ áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối từ trung bình đến nặng, không đáp ứng với điều trị thông thường...

(Theo Người Lao Động)