Cúm gà ở Bắc Triều Tiên chưa đáng sợ
Các Website khác - 06/04/2005

Chưa có bằng chứng trực tiếp khẳng định thủ phạm gây bùng phát dịch cúm gà ở ba trại chăn nuôi gia cầm lớn gần Bình Nhưỡng là thuộc dòng H7. Tất cả mới chỉ là suy đoán.

Sau một tuần làm việc ở Bắc Triều Tiên, ông Hans Wagner thuộc Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) hôm qua đã thông báo: virus gây dịch ở lãnh thổ này là thuộc dòng H7.

Tuy nhiên, theo người phụ trách bộ phận các bệnh truyền nhiễm của FAO, ông Juan Lubroth, thì chứng cứ cho nhận định trên là hoàn toàn gián tiếp. Thực chất, "Bắc Triều Tiên đã tạo ra một loại văcxin có sử dụng virus từ những con gà bệnh, rồi tiêm phòng cho toàn bộ gia cầm trên lãnh thổ. Kết quả kiểm tra cho thấy những con gà này có lượng kháng thể đối với virus H7 rất cao", do đó, theo suy luận ban đầu thì thủ phạm gây dịch là chính virus cúm gà dòng H7. Song vấn đề ở đây là từ trước tới nay chưa có một vụ dịch H7 nào được ghi nhận ở Đông Á.

"Bắc Triều Tiên cho biết họ đã tiêu hủy tất cả số gà ốm, và dịch bệnh đã kết thúc. Đây là một tin tốt lành cho người dân nước này", Lubroth nói. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn muốn có mẫu mô từ những con gà bệnh, do đó họ sẽ tiến hành phân lập virus. Chỉ cần xác định được chuỗi gene của siêu vi trùng này thì có thể lần ra nguồn gốc của dòng H7, và xem liệu nó có khả năng pha trộn với những dòng khác hay không.

Virus cúm gia cầm H7 từng gây dịch vào năm 2004 ở Mỹ, Canada, Pakistan và Hà Lan. Đã có 245 người chăn nuôi gà ở Hà Lan bị nhiễm virus, song phần lớn không có triệu chứng và không ai tử vong.

Hồi tháng ba, báo chí Hàn Quốc đã đưa tin Bình Nhưỡng có dịch cúm gà từ đầu tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, mãi đến tuần trước, các quan chức Bắc Triều Tiên mới thừa nhận và khẳng định đã tiêu hủy hơn 200.000 con gà bệnh.

Trong khi đó, trưởng nhóm dịch cúm của Tổ chức Y tế Thế giới Klaus Stõhr kêu gọi các quốc gia trên thế giới để dành khoảng 5% lượng vacxin phòng cúm thường để phục vụ cho nghiên cứu văcxin phòng cúm gia cầm. Tuy nhiên, theo thống kế của WHO vào năm 2003, chỉ khoảng 1/4 số văcxin của thế giới được sử dụng bên ngoài các nước Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản và Australia.

Mỹ Linh (theo New Scientist)