Virus Ebola sống âm thầm giữa rừng già nhiệt đới châu Phi, bỗng một ngày “vùng dậy” đe dọa mạng sống con người. Cuộc chiến khốc liệt giữa con người và loại virus gây chết người hàng loạt này bắt đầu từ đó.
Sáng 1/12/1989, đội đặc nhiệm của cơ quan Nghiên cứu Bệnh Nhiễm Trùng thuộc quân đội Mỹ (USAMRIID) lặng lẽ rời Fort Dietrick nằm ở phía bắc thủ đô Washington. Đoàn xe tiến về thành phố Reston, không xa phi trường quốc tế rồi ngừng lại sau dãy nhà thuộc hãng Hazelton Research Products. Đây là hãng chuyên nhập khẩu các loài khỉ để sử dụng trong công tác nghiên cứu y học.
Trong sương mù buổi sáng, các thành viên của đội đặc nhiệm Biohazard Group (đội xung kích chống lại các nguy cơ sinh học) trang bị những bộ áo quần đặc chủng, tiến vào tòa nhà để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: tiêu diệt hết mọi sự sống. Mục đích là ngăn chặn cuộc “xâm lăng” có thể xảy ra của virus Ebola - loại virus cũng nguy hiểm như HIV, gây tử vong với tỷ lệ 90% số ca bệnh. Vì sao có cuộc hành quân ấy?
Câu chuyện 13 năm trước
Vào tháng 6/1976, loại virus này đã tràn vào bệnh viện Yambukou trong khu rừng nhiệt đới ở Bumba thuộc nước Zai’re (châu Phi). Khi tấn công vào cơ thể, virus Ebola sẽ hủy diệt các tế bào hồng cầu. Bệnh nhân có các triệu chứng như da xanh, đường tiêu hóa đầy máu, miệng, mũi, hậu môn đều chảy máu và tử vong vì chứng huyết tắc ở não.
Một tháng sau, bệnh viện Yambukou buộc phải đóng cửa vì có đến phân nửa số thầy thuốc bị mắc bệnh. Rồi dịch bệnh lan tràn trên 55 làng mạc dọc theo dòng sông Ebola. Tuy không thống kê được con số tử vong nhưng ước lượng có đến khoảng 90% bệnh nhân bị chết. Lập tức, vùng Bumba bị quân đội Zai’re cô lập và đặt trong tình trạng kiểm dịch. Vài tuần sau đó, các nhà virus học thuộc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Atlanta, qua kính hiển vi đã nhận diện được dạng hình sợi của virus và đặt tên là Filovirus, tức virus Ebola. Câu chuyện dần dần chìm vào quên lãng, chỉ còn trong ký ức các nhà virus học.
Bỗng nhiên 13 năm sau, người ta lại tìm thấy Filovirus có cấu trúc gần giống với virus Ebola trong xác chết một con khỉ macaque do hãng Hazenltan Research Products (ở gần thủ đô Washington) nhập về từ châu Á. Sứ mạng của đội đội đặc nhiệm USAMRIID là giết chết từng con một trong tổng số 500 con khỉ, nhưng tuyệt đối không được để chúng cắn hoặc rơi một giọt máu nào vào người để tránh bị lây nhiễm.
Công tác mật được thực hiện trong ba ngày. Họ lấy 30.000 mẫu mô trước khi đưa xác khỉ bọc trong những túi xách đặc biệt mang đi hỏa thiêu. Cuối cùng, đội đặc nhiệm tẩy uế tòa nhà bằng formol để có một vùng “trắng” sinh học. Để kiểm tra độ tiệt khuẩn, người ta đưa vào đấy các vi khuẩn Bacillus subtilus niger không độc hại nhưng có năng lực đề kháng cao với các tác nhân hóa học diệt khuẩn. Ba ngày sau, đội đặc nhiệm Biohazard Group kiểm tra và nhận thấy các vi khuẩn này đều bị tiêu diệt hết, và người ta tin rằng virus Ebola cũng không còn. Theo báo The NewYorker, thành công của đội đặc nhiệm đã giúp con người thoát khỏi một trận dịch bệnh do virus.
Cuộc chiến toàn cầu chống các virus gây bệnh
Virus khi xâm nhập cơ thể con người, súc vật, cây cỏ, vi trùng... chỉ nhắm đến những “đối tượng” mà chúng tác động được; ví dụ virus HIV gây bệnh AIDS chỉ tác động vào tế bào bạch huyết lympho T4. Virus không thể tự nuôi dưỡng và sinh sản nên cần đến hệ thống tế bào sống mà chúng gây nhiễm để làm môi trường phát triển.
Đầu tiên, chúng chú ý đến màng tế bào mục tiêu, nơi có cấu trúc protein tương ứng với protein của virus, bám chặt lên màng tế bào. Đuôi của virus được tạo thành bởi các protein đàn hồi, đâm sâu vào tế bào, rồi nhiễm sắc thể ADN hoặc ARN của virus khoét vào nhân tế bào, kết nối với nhiễm sắc thể của tế bào bị nhiễm, làm tế bào này nhiễm bệnh, không thể sản xuất protein cần thiết cho mình mà lại sản xuất protein để nuôi virus. Virus bắt đầu sinh sôi nảy nở, cuối cùng phá vỡ tế bào ký chủ để tiếp tục gây nhiễm bệnh cho những tế bào khác.
Giống như Ebola, virus HIV gây bệnh AIDS cũng phát xuất từ rừng già châu Phi. Theo bác sĩ Richard M. Krause thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, HIV đã xuất hiện từ hơn một thế kỷ qua ở châu Phi, lan rộng từ làng này sang làng khác và giờ đây bùng nổ thành dịch bệnh AIDS trên toàn thế giới. Và cuộc chiến giữa con người với virus HIV gây bệnh AIDS cùng nhiều loại virus khác vẫn đang tiếp diễn...
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Các biện pháp chữa hôi nách (03/12/2004)
▪ Người cao tuổi dễ mắc bệnh tuyến giáp (03/12/2004)
▪ Các cách đơn giản chữa bệnh thông thường (03/12/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 112) (02/12/2004)
▪ 100 bác sĩ tham gia lớp huấn luyện cấp cứu (02/12/2004)
▪ Thuốc không đạt chất lượng (03/12/2004)
▪ Viêm âm đạo do nấm và thuốc điều trị (03/12/2004)