"Gần đây, tôi thấy mọi người rất chuộng dầu thực vật. Xin bác sĩ cho biết giá trị của dầu thực vật đối với sức khỏe, mỗi ngày ăn bao nhiêu là đủ?".
Trả lời:
Dầu, nói đúng hơn là chất béo thực vật, có nhiều trong các loại hạt. Trong 100 g vừng có 46,4 g dầu, lạc (hạt): 44,5 g, đậu tương: 18,4 g, cùi dừa có 36 g... Một số thành phẩm phụ như cám gạo, mầm ngô cũng có nhiều dầu.
Hàm lượng acid béo chưa no (như acid oleic, acid linoleic, acid linolenic...) trong các loại dầu này khá cao, vượt xa mỡ (chất béo động vật). Các loại dầu lanh, dầu gai có tới 80-90% lượng acid béo chưa no, nhiều mạch kép; dầu ngô, dầu vừng, dầu đậu nành có tới 40-50%. Dầu lạc có tới 51-80% acid oleic. Lượng acid oleic và acid linoleic trong dầu vừng là 75-78%. Loại acid béo này quan trọng không kém các acid amin cần thiết; giúp cơ thể bài tiết cholesterol, chống nhiễm mỡ, làm bền vững thành mạch. Nó còn phối hợp với vitamin E ngăn ngừa các biến đổi ở da và bệnh xơ vữa động mạch.
Trong dầu còn có một lượng đáng kể các phosphatid, đứng đầu là dầu đậu nành, rồi đến dầu bông, dầu ngô. Phosphatid là thành phần cần thiết của tế bào và mô, tập trung nhiều nhất ở mô thần kinh và não, tim, gan, tuyến sinh dục. Phosphatid có ảnh hưởng tới cường độ hấp thu và sử dụng chất béo trong cơ thể.
Các phitosterol (sterin) cũng có nhiều trong dầu thực vật. Đây là chất ức chế việc chuyển hóa mỡ và cholesterol thành những hợp chất không tan, cơ thể không hấp thu được; do đó ngăn ngừa được sự gia tăng cholesterol trong máu.
Dầu thực vật lại có nhiều caroten và tocoferol - yếu tố cần thiết cho thị giác. Rõ ràng là các loại dầu thực vật có nhiều ưu thế đối với các chức phận cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều quá trình bệnh lý. Một khẩu phần cân đối, hợp lý không thể thiếu hụt loại dầu này.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ các chất sinh năng lượng thích hợp trong khẩu phần là protid 12%, lipid (chất béo) trên 15-20%, glucid 65-70%. Trong đó năng lượng do chất béo thực vật chiếm khoảng 30-35% (tối thiểu 15%) tổng năng lượng do chất béo cung cấp.
BS Nguyễn Hưng Thịnh, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Chu kỳ kinh không đều, có thai được không? (08/03/2005)
▪ Các loại u nang buồng trứng (08/03/2005)
▪ 'Chữa cháy' nhanh cho chứng hôi miệng (08/03/2005)
▪ 7 bài thuốc từ đu đủ (08/03/2005)
▪ Coi chừng bệnh hen suyễn tái phát (08/03/2005)
▪ Tư vấn sức khỏe (07/03/2005)
▪ Cẩm nang chỉ mổ đúng (07/03/2005)
▪ Bị ợ ngược, sôi bụng, đầy hơi - bệnh gì? (07/03/2005)
▪ Đức: Siết chặt việc quảng cáo giải phẫu thẩm Mỹ (08/03/2005)
▪ Mách nhỏ (08/03/2005)