Tư vấn sức khỏe
Các Website khác - 07/03/2005

TT - 60% trường hợp điếc đột ngột khỏi bệnh - Điều trị đau khớp gối thế nào? - Uống nước đá và tô son làm môi thâm? Bác sĩ Lê Trần Quang Minh (phó khoa tai đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM); bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (trưởng khoa điều trị đau, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương); bác sĩ Lý Hữu Đức (trưởng phòng KHTH, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) trả lời bạn đọc.

60% trường hợp điếc đột ngột khỏi bệnh

* Cách đây một năm, sáng ngủ dậy tai trái tôi cứ lùng bùng. Bác sĩ chẩn đoán điếc đột ngột độ III, cho vào bệnh viện điều trị nửa tháng. Từ đó đến nay tai trái vẫn ù ù, sức nghe giảm một nửa so với tai phải. Xin hỏi bệnh có điều trị khỏi, có nguy hiểm, biến chứng gì về sau? Võ Thành Định (Tân An, Long An)

- Bác sĩ Lê Trần Quang Minh - phó khoa tai đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM: Điếc đột ngột là bệnh lý tổn thương thần kinh thính giác do một số nguyên nhân: nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, lạnh, co thắt mạch máu... Tổn thương đường thần kinh dẫn truyền lên não khiến não không tiếp nhận được âm thanh và ta không nghe được. Chỉ có 60-65% trường hợp điếc đột ngột khỏi bệnh và tỉ lệ này phụ thuộc vào thời gian nhập viện sớm, nguyên nhân gây bệnh. Anh có thể đến Bệnh viện Tai mũi họng TP khám, đo thính lực kiểm tra và hướng dẫn điều trị tiếp tục.

___________________

Điều trị đau khớp gối thế nào?

* Mẹ tôi 80 tuổi, hơn tháng nay đi đứng phải chống gậy, đặc biệt là buổi sáng thức dậy rất đau, nhưng nằm ngồi thì không đau nhức. Chụp X-quang, bác sĩ nói bị “vôi hóa khớp gối”, đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không giảm. Xin hướng dẫn cách điều trị. Nguyễn Thu Thịnh (TP Cần Thơ)

- Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - trưởng khoa điều trị đau, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương: Qua mô tả, chúng tôi nghĩ nhiều đến việc bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối. Nếu đúng bệnh này, việc điều trị bao gồm: cho khớp nghỉ ngơi khi đau; giảm áp lực lên khớp gối bằng cách tránh các động tác ngồi xổm, đứng lâu; sử dụng thêm dụng cụ hỗ trợ như nạng, gậy, khung đi; tập luyện phòng ngừa cứng khớp, chống teo cơ...; các thuốc giảm đau, kháng viêm chỉ dùng trong đợt cấp và phải theo hướng dẫn của bác sĩ; dùng thuốc bồi dưỡng sụn khớp cũng có ích, nhưng tác dụng chậm.

___________________

Uống nước đá và tô son làm môi thâm?

* Chị em hồi nhỏ rất thích uống nước đá và tô son. Không biết đó có phải là nguyên nhân làm cho môi chị em bây giờ bị thâm hay không? Có cách nào làm cho môi bớt thâm? Hoàng Thanh Nhi (Thủ Đức, TP.HCM)

- Bác sĩ Lý Hữu Đức - trưởng phòng KHTH, Bệnh viện Da liễu TP.HCM: Không phải uống nước đá và tô son làm môi bị thâm. Cần uống các loại sinh tố PP, vitamin C, Biotine để môi bớt thâm. Nếu có vấn đề về sức khỏe (viêm loét bao tử, rối loạn tiêu hóa...), cần chữa trị cho khỏi. Cần xem lại kem đánh răng đang dùng. Nếu có thể nên đổi loại kem đánh răng khác cho môi bớt bị ảnh hưởng.

NGUYỄN QUANG thực hiện