Đề phòng ung thư cổ tử cung
Các Website khác - 11/06/2005
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu là do sinh con nhiều, quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình... Việc khám phụ khoa thường xuyên và phát hiện bệnh sớm sẽ có cơ may chữa khỏi cao cho chị em.
Đầu năm nay, chị T.T.X.H, 28 tuổi, một nữ thư ký xinh đẹp ngụ tại quận 1-TP Hồ Chí Minh đột nhiên thấy rong huyết trong vài ngày. Nghĩ rằng đó là do người mình “nóng” và làm việc nhiều, nên chị không quan tâm. Tình trạng này lặp lại trong những tháng sau đó nên chị quyết định đi khám bệnh. Tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, chị H. hết sức đau khổ khi biết mình bị ung thư cổ tử cung (UTCTC).

Rong huyết: Triệu chứng chớ xem thường

Theo bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân gây ra rong huyết, nhưng trước hết chị em phải nghĩ đến UTCTC để có thể phát hiện bệnh lúc còn sớm, vì như thế cơ hội trị khỏi sẽ rất cao.

Trường hợp của chị H. nêu trên vẫn còn may, vì bệnh ở giai đoạn sớm, ở nhiều bệnh nhân khác do “lu bu chuyện nhà” hoặc “chủ quan” vì thấy mình vẫn mạnh khỏe, nên họ bỏ qua “cơ hội vàng” để điều trị hiệu quả.

Trường hợp của chị N.T.N, 45 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp, là thí dụ điển hình. Ở những lần đầu tiên bị rong huyết, chị ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc uống. Thấy rồi cũng hết, chị không quan tâm. Hơn nửa năm sau, trong một lần gánh lúa, chị bỗng thấy “ra máu xối xả”. Chuyển đến trạm y tế, rồi BV tỉnh cũng không cầm được máu, và tại BV Ung Bướu, chị được phát hiện UTCTC thời kỳ 3. Bệnh nhân UTCTC giai đoạn muộn thường gầy gò, da trắng bệch, phát ra mùi hôi nồng nặc và rên rỉ vì đau nhức.

HPV và ung thư cổ tử cung là đại dịch ở châu Á

Từ lâu, y học đã nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa UTCTC và human papilloma virus (HPV). Tại một hội nghị châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Thái Lan giữa tháng qua, TS sinh học Timothy Ng. cho biết hằng năm trên thế giới có khoảng 500.000 ca UTCTC mới, nhưng 80% số này là tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á.

Khảo sát các trường hợp UTCTC từ 25 quốc gia khác nhau, người ta phát hiện đến 99,7% trường hợp có sự hiện diện của HPV. Đặc điểm của HPV là có hơn 150 type khác nhau, trong đó hơn 40 type gây ra nhiễm trùng đường sinh dục.

Người ta cũng nhận thấy 70% người lớn có hoạt động tình dục thường ít nhiều bị nhiễm HPV tạm thời, nhưng 10%-20% trường hợp lại nhiễm type có nguy cơ gây ung thư cao. Y học từ lâu đã thừa nhận việc quan hệ tình dục sớm, sinh nhiều, có nhiều bạn tình là nguy cơ dẫn đến UTCTC. Giải thích điều này, người ta cho rằng đời sống tình dục càng sớm và “phong phú” thì khả năng nhiễm HPV càng dễ xảy ra.

Tại TP Hồ Chí Minh, một khảo sát của BS Trần Thị Lợi và Bùi Thị Hồng Nhu (Đại học Y- Dược) cho thấy có mối liên quan ý nghĩa về thống kê giữa số lần mang thai, số bạn tình, số bạn tình của chồng, tuổi quan hệ tình dục lần đầu và UTCTC.

20.000 đồng cho một xét nghiệm tối quan trọng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lưu Văn Minh, trưởng khoa Xạ 1B BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, cho biết UTCTC hoàn toàn có thể phát hiện sớm bằng xét nghiệm tế bào âm đạo (xét nghiệm Pap). Mọi phụ nữ trên 30 tuổi đã lập gia đình nên làm Pap mỗi 6-12 tháng/lần. Nếu phát hiện tế bào có dấu hiệu bất thường, BS sẽ cho làm thêm nhiều xét nghiệm khác.

Đáng lưu ý: Chi phí cho một lần làm Pap chỉ là 20.000 đồng nhưng xét nghiệm này lại có thể cứu được một mạng người, vì theo bác sĩ Minh một khi phát hiện sớm, 95% bệnh nhân UTCTC được điều trị tốt.

Theo Theo Người lao động