Có nhiều nguyên nhân nghiêm trọng khiến trẻ bị đau bụng cấp cần được can thiệp ngoại khoa khẩn cấp như đau ruột thừa, lồng ruột, thoát vị nghẹt, xoắn thừng tinh... Vì vậy, khi trẻ có cơn đau bụng cấp, cần đưa đi khám càng sớm càng tốt.
Một số căn nguyên gây đau bụng cấp và cách nhận biết:
Viêm ruột thừa cấp: Sốt vừa 38 độ C, đau tự phát khu trú ở hố chậu phải, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn). Đau kèm phản ứng thành bụng khi sờ nắn vào hố chậu phải.
Viêm ruột thừa ở trẻ còn bú rất khó chẩn đoán. Người ta thường khám khi trẻ đang ngủ trên tay người mẹ, nắn bụng bên trái trẻ vẫn ngủ yên nhưng chỉ nắn nhẹ bên phải, trẻ thức ngay hoặc giãy giụa.
Lồng ruột cấp tính: Thường gặp ở trẻ 6-18 tháng tuổi với những cơn đau ngắt quãng khiến trẻ kêu thét khi đau, da tái nhợt, nôn hoặc bỏ bú. Bụng trẻ rất khó khám trong cơn đau, giữa các cơn đau lại bình thường. Sờ nắn vùng hố chậu phải thấy rỗng trong khi có thể sờ được đoạn ruột lồng qua thành bụng phía dưới gan. Thăm trực tràng sau vài giờ thấy ít phân lẫn nhày và máu.
Xoắn thừng tinh ở trẻ em nam: Nên nghĩ đến bệnh này nếu thấy trẻ đột ngột đau tinh hoàn kết hợp với triệu chứng tinh hoàn tăng thể tích và rất đau khi sờ, đụng vào. Hậu quả xoắn thừng tinh thường nặng nề. Nếu chẩn đoán và điều trị chậm, tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ thoát ra khỏi bìu qua đường rò hoặc hoàn toàn bị teo trong vài tháng. Xoắn thừng tinh là một cấp cứu ngoại khoa cần can thiệp ngay.
- Xoắn u nang buồng trứng ở trẻ gái: Đau bụng dưới kèm theo nôn. Bác sĩ khám qua trực tràng sẽ thấy một u ở vùng khung chậu hoặc chậu-bụng.
Thoát vị bẹn nghẹt: Thắt nghẹt luôn là mối đe dọa đối với thoát vị bẹn ở trẻ em. Nguy cơ thắt nghẹt cao ở trẻ ít tuổi, sinh thiếu tháng. Khi bị nghẹt, khối thoát vị căng và đau, không thu hồi lại được như mọi lần, sờ nắn vào trẻ phản ứng kêu khóc. Thoát vị bẹn nghẹt ở nam cũng như nữ, nếu không xử trí kịp thời sẽ gây tổn thương nặng đối với tạng bị nghẹt, đặc biệt là hoại tử vành quai ruột - nguyên nhân dẫn đến tử vong. Lưu ý: trong thoát vị bẹn ở nam, các tạng sa xuống về phía bìu; còn ở nữ, các tạng sa về phía môi lớn.
BS Trần Trí, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Chữa cảm lạnh bằng y học cổ truyền (18/01/2005)
▪ Kiểm tra các phòng khám y học cổ truyền (18/01/2005)
▪ Chữa đái dầm bằng Đông y (17/01/2005)
▪ Thuốc dán lên da có thể gây nguy hiểm (17/01/2005)
▪ Người có nội tạng nằm không đúng chỗ (17/01/2005)
▪ Bạn đã hiểu đúng về sức khỏe của mình chưa? (17/01/2005)
▪ Trẻ suy thận mạn dễ bị dậy thì muộn (17/01/2005)