Phòng trưng bày của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, có những chiếc lọ thủy tinh để trong tủ kính đựng hạt nhãn, cúc áo, lò xo kim loại, kim băng, cặp tóc, tiền xu... Có tới hàng trăm dị vật bé nhỏ đã được các bác sĩ lấy ra từ những cái miệng xinh xắn của trẻ em. Tuy nhiên, theo phó giáo sư - tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Thị Ngọc Dinh, giám đốc bệnh viện: "Tình trạng nuốt phải dị vật không chỉ xảy ra ở trẻ em, mà còn khá phổ biến đối với người lớn. Trung bình mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp vào viện cấp cứu do dị vật rơi vào đường ăn hoặc đường thở?
Lật lại hồ sơ bệnh nhân
Tháng 6-2004, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận ca cấp cứu Nguyễn Thị Linh mới 10 tháng tuổi, được gia đình đưa đến viện trong tình trạng bé không ăn uống được và không ngừng kêu khóc. Bố mẹ bé Linh cho biết: "Thường ngày Linh rất ngoan, sau khi ăn no có thể nằm chơi một mình mà không đòi bế ẵm như những đứa trẻ khác. Nhưng không hiểu sao bỗng dưng bé lại húng hắng ho, sau đó liên tục quấy khóc, thấy Linh khóc nhiều ai nấy đều sốt ruột nên đưa bé tới viện để khám". Sau khi thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện trong cổ họng của bé Linh có một dị vật hình lò xo. Việc soi gắp dị vật được tiến hành ngay lập tức, chiếc lò xo kim loại được lấy ra từ trong họng của bé làm tất cả mọi người phải rùng mình. Theo phán đoán của người nhà, đó chính là lò xo của chiếc điều khiển ti vi mà Linh thường cầm chơi mỗi khi nằm một mình trên giường.
Trong trường hợp dị vật xâm nhập vào đường ăn, bệnh nhân có biểu hiện như đau họng, nuốt khó, không ăn uống được... Thông thường người bệnh thấy khó chịu bên trong cuống họng nên tự cho tay vào miệng cào, móc, hy vọng sẽ lấy được dị vật ra. Tuy nhiên, tất cả những hành động đó đều không có lợi cho người bị nạn, ngược lại sẽ làm cho dị vật mắc sâu hơn, gây khó khăn cho các bác sĩ khi tiến hành lấy chúng ra khỏi cơ thể người bệnh.
|
Ngày 19-6-2004, cháu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, 2 tuổi, ở Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội được đưa vào cấp cứu với những biểu hiện: ho sặc sụa, người tím tái... Các bác sĩ đã phát hiện ra dị vật trong góc trái của khí quản và tiến hành soi gắp lấy dị vật ra ngay. Dị vật mà cháu Nga mắc phải chỉ là hạt lạc nhưng vì sau 2 ngày gia đình mới phát hiện và đưa cháu tới bệnh viện (cháu bị hóc khi ăn lạc cùng gia đình vào ngày 17-6), tình trạng hóc kéo dài nên đã gây ra viêm phổi. Sau khi dị vật được lấy ra, cháu Nga được các bác sĩ chuyển đến Khoa Hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục được điều trị.
Tình trạng của cháu Nguyễn Đức Tiến, 4 tuổi ở Đồng Hương, Cẩm Khê, Phú Thọ, có biểu hiện ngạt thở, giống như bị viêm phổi. Khi kiểm tra phát hiện được nguyên nhân là do cháu đã cho hạt hồng bì vào mũi, sau đó bị sặc vào phổi. Hạt đó đã mắc ở khí quản nên làm tắc đường thở của cháu bé. Rất may cháu được đưa tới viện cấp cứu kịp thời nên không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh: "Mắc dị vật ở đường ăn và đường thở là một trong các tai nạn phổ biến nguy hiểm hiện nay. Các dị vật này làm bít tắc đường ăn và đường thở, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Tai nạn này gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Cần phải thận trọng khi thấy các cháu nhỏ đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát (đó chính là hội chứng dị vật xâm nhập đường thở). Nếu dị vật nhỏ, lọt xuống sâu hơn như phế quản thì các triệu chứng giảm đi và cháu bé có triệu chứng như viêm đường hô hấp và bệnh kéo dài sẽ gây ra viêm phổi, dẫn đến tử vong".
Thận trọng với chữa mẹo, chữa bằng thuốc nam
Câu chuyện về bé Nguyễn Thị Mai, 4 tuổi, ở Hà Tây, suýt mất mạng chỉ vì chữa mẹo đã trở thành bài học cho nhiều gia đình khi có trẻ em bị mắc dị vật. Bé Mai bị hóc xương cá khi đang ăn cơm, thấy cháu kêu đau và không thể ăn tiếp được mọi người không đưa Mai tới bác sĩ mà lại sử dụng mẹo để chữa trị. Lúc đầu là bắt Mai nuốt một cục cơm to, thấy không hiệu nghiệm lại chuyển sang việc dùng đũa lùa vào họng để đẩy chiếc xương cho trôi xuống bụng. Kết quả là càng làm cho cổ họng cháu sưng lên. Đến lúc đó gia đình mới cuống cuồng đưa cháu đi cấp cứu. Tại bệnh viện, cháu Mai đã trải qua hai lần gây mê: lần thứ nhất các bác sĩ lấy từ trong thực quản ra miếng đốt xương cá; lần thứ hai các bác sĩ khâu lỗ thủng trong vùng họng cháu bé, do việc dùng đũa lùa vào gây ra. Sau phẫu thuật, cháu Mai phải tiếp tục điều trị tại viện hơn một tháng. Chứng kiến cảnh đau đớn của con gái, mẹ cháu Mai tâm sự: "Chỉ vì sự chủ quan mà gia đình chúng tôi đã làm khổ cháu, đồng thời gây ra sự tổn thất lớn về tài chính. Một miếng xương cá thôi mà tốn đến 2,6 triệu đồng, số tiền tích cóp trong cả năm trời. Nếu ngay từ đầu chúng tôi đưa cháu đến cơ sở y tế để gắp miếng xương ra thì chỉ tốn ít tiền và tổn thương không bị biến chứng, thời gian điều trị của cháu không kéo dài như vậy".
Câu chuyện của ông T., một bệnh nhân hóc xương gà khiến chúng tôi vô cùng sửng sốt. Hôm đó gia đình ông có giỗ, anh em bà con đến rất đông. Cánh đàn ông vừa mới uống được nửa chén rượu đã náo loạn vì người chủ sự nuốt phải cái xương gà. Người nhà vội mời ngay một thầy lang nổi tiếng về chữa bách bệnh để khám chữa. Thấy mọi người hốt hoảng, ông thầy trấn an: "Xương gì cũng không thành vấn đề, có thuốc của tôi là khỏi ngay". Lá thuốc được mang về giã ra, nước thì uống, lá thì đắp vào chỗ đau của ông T., nhưng hơn một ngày trôi qua mà chẳng thấy đỡ chút nào. Ông kêu đau nhiều hơn trước, đến bữa chẳng thể ăn được gì, tiếng nói trở nên khản đặc rồi mất hẳn. Đến lúc đó cả nhà ông T. mới thực sự cuống lên đưa người đi bệnh viện cấp cứu. Vào bệnh viện, ông T. được chỉ định chuyển tới phòng mổ gấp. Thì ra chiếc xương mà ông T. nuốt phải có 2 đầu nhọn hoắt xuyên vào cuống họng, vì thời gian hóc xương gần 3 ngày nên cổ họng bị sưng tấy và chỗ tổn thương đã có mủ. Nhìn ông T. trong cơn đau lịm đi, người thân của ông ai nấy đều hối hận khi nghe bác sĩ bảo: "Chỉ chiếc xương thôi mà suýt nữa phải đổi cả mạng sống".
Làm gì để phòng tránh tai nạn?
Hội chứng dị vật xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn và đường thở đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Cần hết sức lưu ý đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, không nên để các cháu chơi đồ chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Nên để những đồ vật nhỏ tránh xa tầm tay của trẻ dưới 1 tuổi. Nhiều trường hợp trẻ bị sặc thức ăn cũng chính từ cách thức các bà, các mẹ cho cháu ăn. Khi trẻ lười ăn nhiều, có bà mẹ đã bịt mũi buộc trẻ phải nuốt cháo, bột..., trẻ khóc trong khi nuốt thức ăn sẽ dẫn tới bị sặc và bị nghẹn, làm thức ăn rơi vào đường hô hấp, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể gây tử vong do ngạt thở.
Khi trẻ ốm cần phải uống thuốc đặc biệt dành riêng cho trẻ em, không nên bảo trẻ há miệng đưa thuốc viên cho trẻ uống, như thế rất nguy hiểm vì trong lúc sợ uống thuốc trẻ có thể phản ứng làm viên thuốc chui vào đường hô hấp và tạo thành dị vật mắc trong đường thở. Phần lớn các dị vật mắc kẹt vẫn có thể di động: viên thuốc, hạt lạc... mắc ở phế quản khi ho bật lên bị kẹt ở thanh hạ môn, gây ra cơn ho sặc sụa, khó thở giống như hội chứng lúc mới xâm nhập vào cơ thể, hiện tượng đó thường tái diễn nhiều lần.
Người lớn cũng cần phải thận trọng khi ăn uống. Thói quen gặm xương hoặc một số trò chơi đôi khi cũng tạo nên nguy hiểm. Đã có trường hợp một thanh niên 25 tuổi phải đến bệnh viện cấp cứu chỉ vì vô tình bị hóc một đồng xu trong thực quản; nhiều trường hợp khác là do sơ ý trong bữa ăn nên bị hóc xương cá, xương gà, xương lợn...
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cảnh báo: "Nếu dị vật là xương động vật thì từ ngày thứ hai trở đi đã có thể gây áp xe trung thất, xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn... Mọi biến chứng xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm". Chính vì vậy, khi trong gia đình có người lớn bị hóc xương hoặc thấy trẻ em có những triệu chứng như ăn uống, hô hấp... không bình thường, nên đưa ngay tới các cơ sở y tế có đủ điều kiện về trang thiết bị để sớm phát hiện ra nguyên nhân của bệnh và kịp thời chữa trị.
|