Dùng thuốc nhỏ mắt đúng cách
Các Website khác - 25/05/2005

Nên tránh để đầu ống thuốc nhỏ mắt sát vào lông mi, gây nhiễm bẩn cho lọ thuốc; chất bẩn sẽ làm đục ngầu lọ thuốc sau khi ta thôi bóp lọ thuốc nhựa hoặc thôi ấn đuôi cao su. Tra thuốc cách ngọn lông mi vài ba cm là vừa.

Nhiều bệnh về mắt, nhất là bệnh của màng nông như kết mạc, giác mạc... có thể dùng cách đưa thuốc trực tiếp ngay vào mắt để điều trị. Nếu là thuốc nước thì người ta dùng từ nhỏ mắt, nếu là thuốc mỡ thì gọi là tra mắt. Thuốc tra, nhỏ mắt ngấm được vào các màng mắt rất nhiều, rất sâu, thậm chí có thứ rất nhanh. Ví dụ: Tetracain ngấm qua kết mạc để vào nội nhãn còn nhanh hơn qua đường tiêm tĩnh mạch.

Do thuốc tra, nhỏ mắt ngấm nhiều và nhanh nên với các bệnh của kết mạc, giác mạc, thông thường người ta chỉ dùng loại thuốc này là chính. Thậm chí cả những bệnh sâu hơn trong nhãn cầu như viêm màng bồ đào trước, người ta cũng dùng thuốc tra, nhỏ mắt. Ví dụ: Atropin dưới dạng thuốc nước hoặc thuốc mỡ sẽ tách dính đồng tử do viêm màng bồ đào trước gây ra. Vì vậy, khi được cấp hoặc ghi đơn tra, nhỏ mắt, dù có kèm các thuốc tiêm hoặc uống khác hay không thì chúng ta cũng chớ quan niệm rằng thuốc, tra nhỏ mắt là phụ.

Cách tra, nhỏ đúng là làm cho thuốc lọt được vào khe mắt đủ mức mà không bị vương vãi ra ngoài, để đạt hiệu quả mà không lãng phí thuốc.

Cách nhỏ thuốc nước: Trước hết, lau mắt bằng mẩu bông ẩm, sạch cho hết bụi bặm hoặc dử mắt. Tiếp đó, nhỏ vài ba giọt thuốc nước vào góc trong của mắt. Sau khi nhỏ, phải kéo mi dưới xuống một chút cho thuốc chan hòa khắp mắt. Nhớ là sau khi nhỏ xong mới kéo mi dưới xuống, đừng vừa nhỏ vừa kéo. Tiếp đó, lau các giọt thuốc thừa chảy ra cạnh gốc sống mũi và hai mi.

Với thuốc nước, ngày có thể nhỏ 3-6 lần tùy theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng khi phải nhỏ 3-4 loại thuốc khác nhau thì làm thế nào? Điều lưu ý thứ nhất là tránh nhỏ cùng nhau một lúc, vì chúng sẽ pha loãng nhau ra, hoặc là thuốc nhỏ sau rửa mất thuốc nhỏ trước. Vì thế, mỗi thuốc nên nhỏ cách nhau nửa giờ; vì với nửa giờ, thuốc nhỏ trước đã ngấm vào mắt rồi.

Cách tra thuốc mỡ: Tốt nhất là người bệnh nằm ra hoặc ít ra là ngồi ngả đầu trên lưng chiếc ghế tựa. Mở khe mắt của người bệnh bằng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái. Ngón trỏ mở mi trên của bệnh nhân, ngón cái kéo mi dưới cho lộ kết mạc mi dưới màu đỏ ra. Đoạn ta bóp một thỏi thuốc mỡ dài vào mi dưới. Giữ mi trên không cho chớp vội bởi vì động tác chớp của mi trên rất nhanh. Nếu buông mi trên ra trước, mi trên sẽ chộp lấy thuốc mỡ gây dính ra ngoài mi và không ngấm được vào trong mắt.

Với thuốc mỡ, thường ngày tra vài ba lần vào buổi sáng, trưa, tối. Tốt nhất là tra vào buổi trưa và tối trước khi đi ngủ.

BS Hoàng Cương, Sức Khỏe & Đời Sống