Cặp song sinh một trai một gái của chị Đặng Thị Thu Hà (Hà Nội) đã chào đời ngày 30/11 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đáp ứng lòng mong mỏi suốt 12 năm của gia đình. Đây là những đứa trẻ đầu tiên ra đời từ phương pháp trữ phôi đông lạnh ở khu vực phía Bắc.
![]() |
Bé Nga (trái) và người anh song sinh. Ảnh: Thanh Nhàn |
Chị Thu Hà năm nay 35 tuổi, bị vô sinh do tắc vòi trứng. Chị từng làm thụ tinh trong ống nghiệm 2 lần (tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM và Bệnh viện Phụ sản Trung ương) nhưng đều không thành công. Cuối năm 2001, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm lần thứ 3 nhưng cả 9 phôi được chuyển đều không đem lại cho chị Hà hạnh phúc làm mẹ. Đợt thụ tinh này cũng trùng với thời gian bệnh viện bắt đầu áp dụng trữ phôi đông lạnh và chị Hà trở thành một trong những khách hàng đầu tiên với 4 phôi "để dành". Bốn tháng sau lần thất bại ấy, 3 phôi đã được rã đông và 2 trong số đó được chuyển vào tử cung người mẹ.
Khi 2 thai nhi được 37 tuần tuổi, chị Hà được mổ đẻ. Cả 2 cháu đều khỏe mạnh, không có dị tật gì: cậu anh Lê Thành Trung nặng 2,9 kg, em gái Lê Thu Nga nặng 2,8 kg.
Bác sĩ Phạm Đức Dục thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, đến nay cơ sở này đã chuyển phôi đông lạnh cho gần 60 phụ nữ. Tỷ lệ thành công tương tự như các hình thức thụ tinh trong ống nghiệm khác: xấp xỉ 30%. Bệnh nhân được xem là chuyển phôi thành công nếu được xác định có thai lâm sàng, nghĩa là sau chuyển phôi 4 tuần đã xuất hiện hình ảnh túi ối khi siêu âm. Đến nay, chỉ mới một sản phụ sinh con nhưng theo dự tính, tỷ lệ sinh nở sẽ đạt khoảng 22%.
Bác sĩ Dục cũng cho biết, trữ lạnh phôi giúp các cặp vô sinh tiết kiệm một số tiền khá lớn nếu thụ tinh trong ống nghiệm không thành công, phải làm lại. Trong lần thụ tinh đầu tiên, bệnh nhân được dùng thuốc kích thích rụng trứng, lấy phôi, thụ tinh với tinh trùng của chồng rồi chuyển vào tử cung. Chi phí cho cả quy trình này là hơn 30 triệu đồng. Nếu người nhà có nhu cầu, bệnh viện sẽ dự trữ những phôi còn thừa (theo khuyến cáo của các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, phôi dự trữ nên được sử dụng trong vòng 2 năm).
Trong trường hợp người phụ nữ vẫn không mang thai, các phôi kể trên được đưa ra rã đông để chuyển vào tử cung lần nữa. Thay vì phải tốn thêm 30 triệu đồng để lặp lại quá trình kích thích rụng trứng - lấy trứng- thụ tinh, bệnh nhân chỉ trả 2 triệu chi phí bảo quản và vài trăm nghìn tiền chuyển phôi.
Thanh Nhàn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Tiếp xúc nhiều với thuốc sâu dễ mắc ung thư phổi (01/12/2004)
▪ Bệnh phát ban nhiễm sắc (01/12/2004)
▪ Chỉ có 1 tinh hoàn (01/12/2004)
▪ Hãy dám trả lời các câu hỏi của con bạn (phần 13) (01/12/2004)
▪ Trứng - thực phẩm bổ dưỡng đặc biệt (01/12/2004)
▪ Răng bẩn có thể giết chết người già (01/12/2004)
▪ Răng không sạch = ổ mầm bệnh (01/12/2004)