![]() |
Nên hạn chế muối khi nấu ăn. |
Việc sử dụng quá nhiều muối hằng ngày có thể gây nhiều mối hại to lớn như yếu xương, sỏi thận, cao huyết áp, thậm chí dẫn đến ung thư và làm rối loạn ADN.
Ngoài vai trò quan trọng trong việc bảo quản và chế biến thức ăn, muối còn là một trong những thành phần dưỡng chất thiết yếu nhất mà cơ thể cần được cung cấp để phục hồi sinh lực cũng như bổ sung nhiều khoáng chất bị tiêu hao trong quá trình lao động, tập luyện hay vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, do có chứa nhiều natri nên việc sử dụng muối không hợp lý có thể dẫn đến nhiều hiểm họa khôn lường... Hiểm họa tiềm ẩn chỉ đến từ thói quen ăn mặn; vì muối cũng “nhập cảnh” vào cơ thể từ nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn.
Một số tác hại chính của việc hấp thu quá nhiều muối hằng ngày:
Gây yếu xương
Nữ tiến sĩ Pao-Hwa Lin tại Trung tâm Y khoa Đại học Tổng hợp Duke (Mỹ), chỉ rõ, việc hấp thu quá nhiều natri mỗi ngày khiến cơ thể bài tiết một lượng lớn canxi, đe dọa đến tỷ trọng và sức khỏe của xương cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Vì thế, nguy cơ mắc bệnh loãng xương sau đó là một tất yếu rất khó tránh khỏi, nhất là đối với phụ nữ. Vì vậy, càng hạn chế hấp thu natri bao nhiêu thì lượng canxi bị bài tiết ra ngoài cơ thể càng ít bấy nhiêu.
Làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Nhật Bản, những người có thói quen ăn quá mặn có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gần gấp đôi so với những người bình thường khác. Nguy cơ này càng cao ở những người thường xuyên kết hợp ăn mặn với ăn chua, cay và uống nhiều bia, rượu.
Làm rối loạn cấu trúc ADN
Sau khi tiến hành một cuộc thí nghiệm khá dài về tác hại của natri đối với sức khỏe, Viện Tim phổi và huyết mạch Mỹ đã kết luận, một trong những tác hại nguy hiểm nhất của muối ăn là phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN nếu được cơ thể tích trữ quá nhiều; khiến các cơ chế phục hồi tế bào trong cơ thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Gây sỏi thận
Theo thống kê trong vòng 5 năm của các nhà khoa học Ý, hơn 70% số bệnh nhân sỏi thận có thói quen ăn mặn hơn nhiều lần so với những thành viên khác trong gia đình. Các nhà khoa học Ý còn cho rằng việc hạn chế hấp thu protein và muối trong nhiều trường hợp có thể giúp phòng tránh bệnh sỏi thận hoặc tránh hình trạng tái phát bệnh này.
Tăng nguy cơ bị cao huyết áp
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch Mỹ, phần lớn bệnh nhân cao huyết áp có lượng natri trong máu rất cao. Nếu không được ngăn ngừa và điều trị kịp thời, bệnh cao huyết áp thường kéo theo nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn như đột quỵ, đau tim...
Vì thế, ngoài việc cố gắng điều chỉnh lại khẩu vị hợp lý bằng cách tránh lạm dụng muối trong bảo quản và chế biến các món ăn, chúng ta còn phải hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều natri như mì sợi, thức ăn chế biến và đóng gói sẵn, đông lạnh, thịt gia cầm làm sẵn, các món dưa chua làm từ rau củ tươi, các loại ruốc hay mắm nêm có hàm lượng muối cao, các loại thức ăn nhanh như khoai tây chiên, phồng tôm... Nên cẩn thận xem tỷ lệ các thành phần có trên bao bì để cố gắng hạn chế muối.
Mỗi ngày, một người chỉ nên tiêu thụ khoảng từ 3 đến 6 g muối, tương đương với khoảng 1.200 đến 2.000 microgram natri. Những người bị cao huyết áp chỉ nên dùng tối đa 5 g muối/ngày. Trong trường hợp dùng muối i-ốt thì liều lượng còn phải thấp hơn nữa vì nó có độ mặn cao hơn muối biển, vốn được chế biến bằng phương pháp thủ công.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Chế độ ăn cho người mắc bệnh ở mật (24/12/2004)
▪ Sun Ginseng ngăn chặn ung thư (24/12/2004)
▪ Thức ăn kiêng loại tinh chế có thể làm tổn thương hệ tim mạch (23/12/2004)
▪ Tránh xa các chất hóa học để bảo vệ bé (24/12/2004)
▪ Những hiểu biết cơ bản về cúm gia cầm (23/12/2004)
▪ Các hóa chất tẩy rửa và nguy cơ bị hen suyễn ở trẻ (23/12/2004)
▪ Vì sao bị viêm não, viêm màng não? (23/12/2004)