Chị Thu Huyền - một bác sĩ da liễu - đưa con đi bơi. Khi chuẩn bị xuống hồ, chị bỗng phát hiện một bệnh nhân của mình cũng đang vẫy vùng bên dưới. Hoảng quá, nữ bác sĩ liền dẫn con về.
Bước vào cao điểm của mùa nắng nóng kéo dài, hầu hết các hồ bơi ở TP HCM đều quá tải. Để chống chọi với không khí nóng bức, người dân thành phố ùn ùn rủ nhau đến trầm mình trong những hồ bơi công cộng và khu vui chơi dưới nước.
Hiện TP HCM có trên 100 hồ bơi và công viên nước được Sở Thể dục Thể thao cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra còn vô số hồ bơi mini trong các nhà hàng, khách sạn, trường học, biệt thự, hoa viên... hoạt động không đăng ký. Theo nhận định của các đơn vị chức năng thì hoạt động hồ bơi gần đây đã có nhiều tiến bộ về vệ sinh và an toàn. Trước đây, hầu hết hồ bơi cả tuần mới thay nước một lần, vì thế khi chưa đến kỳ thay, nước đã đục ngầu, nhiều người đi bơi về mình mẩy ngứa ngáy, mắt đỏ và cay, có khi bị “nhậm” mắt. Hiện nay, đa số hồ bơi đều trang bị hệ thống lọc nước tuần hoàn, áp dụng một số biện pháp kiểm tra, khử trùng nên chất lượng nước luôn ổn định về độ trong và dư lượng clo.
Để bảo đảm vệ sinh chung, trước khi xuống hồ bơi, khách phải đi “toilet” nếu cần, rửa tay, thay quần áo, nhúng chân vào bồn nước chứa chloramin B và tắm xả trước rồi mới xuống hồ. Người mắc bệnh ngoài da, truyền nhiễm không được xuống hồ bơi. Tuy nhiên, những quy định này ít được thực hiện nghiêm túc. Anh Hùng, người quản lý một hồ bơi ở quận 12 cho biết: “Khó có cách nào ngăn người mắc bệnh lây nhiễm xuống hồ, vì nhân viên hồ bơi không thể và không đủ khả năng để kiểm tra”. Tại nhiều hồ bơi, những lúc quá đông khách, nhân viên không thể kiểm soát nổi nên mạnh ai nấy nhảy xuống hồ, chẳng rửa tay, tắm trước hoặc nhúng chân gì cả.
Ngoài ra, ở các hồ bơi TP HCM năm nào cũng có tai nạn. Có hồ bơi một năm xảy ra đến ba trường hợp chết đuối. Tình trạng quá tải là một trong những nguyên nhân khiến hồ không bảo đảm an toàn. Các cấp cứu viên do phải làm việc căng thẳng nên thường mệt mỏi, kém linh hoạt và đôi khi không phát hiện kịp thời những sự cố. Theo quy định, thời gian làm việc của một tổ cứu đuối (2-3 người) không quá 6 tiếng/ca. Thế nhưng tại nhiều hồ bơi, cấp cứu viên vẫn phải làm việc từ sáng tới chiều. Có tai nạn đã xảy ra do cấp cứu viên nhờ người khác trông giùm để đi ra ngoài... thư giãn. Tại một hồ bơi ở quận Tân Bình từng xảy ra trường hợp ngộp nước chết đuối chẳng ai hay, đến vài giờ sau nạn nhân nổi lên mới phát hiện được. Trong khi đó, theo quy định, ở các hồ bơi có độ sâu từ 2 m trở lên, phải tổ chức lặn rà đáy hồ từ 3 đến 5 phút một lần, kết hợp nhắc nhở, quan sát trên bờ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
▪ Các thực phẩm chống nắng (17/05/2005)
▪ 9 biện pháp cải thiện tình trạng hen suyễn (16/05/2005)
▪ Những điều cần biết khi xỏ lỗ tai cho trẻ (16/05/2005)
▪ Dạy bé đánh răng (17/05/2005)
▪ Du lịch chăm sóc sức khỏe (17/05/2005)
▪ Cây cảnh trong nhà cũng gây dị ứng (16/05/2005)
▪ Ôm hận cả đời vì sửa mũi dạo (16/05/2005)
▪ Hong Kong sẽ có luật 'bữa trưa' (16/05/2005)
▪ Kiểm tra nhanh thể trạng bằng máy BCA (16/05/2005)
▪ Bếp ăn công nhân chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (16/05/2005)