![]() |
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với bếp ăn của lao động |
Nguyên liệu đầu vào không qua kiểm định, quy trình chế biến thủ công, nhà ăn cho công nhân chưa được nâng cấp... Đó là thực trạng một số bếp ăn tập thể qua đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của đoàn công tác liên bộ mới đây tại TP HCM.
Công ty giày Thiên Lộc, quận 12 có hai bếp ăn phục vụ trung bình 1.000 công nhân/ngày, được xây cách đây 10 năm nên khá cũ. Ăn trưa chia 2 đợt, 11h và 12h. Trong tủ kính, thức ăn được chia từng đĩa, đậy bằng bìa carton để ngăn côn trùng, ruồi nhặng. Ở góc khác, những tô bún, bánh canh được đậy sơ sài bằng tấm nilon đục, nguội lạnh. Khu vực nhà ăn và nơi chế biến tách rời nhau bởi khoảng sân ướt rượt nước mưa. Nhân viên phải bê từng nồi, đĩa, mâm thức ăn vượt qua khoảng không gian "thiên nhiên" trước khi tập kết tại khu vực nhà ăn, chờ công nhân tan tầm.
Theo đánh giá của thanh tra Sở Y tế thành phố, cách tổ chức nhà ăn và bếp ăn như vậy chưa đạt chuẩn. Khu vực chế biến và khu vực ăn phải khép kín, một chiều để hạn chế tối đa di chuyển thức ăn trong điều kiện thường. Mặt khác, thức ăn đã qua chế biến đậy bằng miếng nhựa đục sẽ không tránh khỏi nguy cơ thôi nhiễm hóa học. Đơn vị này cũng chưa thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, vì chỉ lấy mẫu thành phẩm mỗi ngày, không lưu mẫu nguyên liệu đầu vào.
Mối nguy gây ngộ độc lớn nhất tại đây là nguồn nguyên liệu, nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đại diện công ty này thừa nhận là đã được phát tờ rơi thông tin về cách chọn thực phẩm, nguyên liệu, nhưng do chưa có test nhanh, nguồn hàng từ chợ mua vào hằng ngày phần lớn chưa qua kiểm dịch. "Chúng tôi chọn rau xanh ở chợ cho rẻ, thấy tươi tắn là được. Cũng có một số cơ sở chào hàng tận nơi, có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng đắt quá, trong khi giá thành bữa ăn công nhân chỉ gói gọn 3.500 đồng/suất", vị đại diện phát biểu.
Quận 12 có 2 cơ sở chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, 46 bếp ăn tập thể của công ty, xí nghiệp và 19 bếp ăn của các trường bán trú, mầm non. Riêng phường Hiệp Thành, Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp có tới 30 doanh nghiệp với 6.000 công nhân. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống ở quận 12 cũng ở tình trạng phân bố không đều và phức tạp, tương tự những huyện, quận mới chia tách ở TP HCM.
Với đặc thù khu công nghiệp, hơn 80% công ty, xí nghiệp ở quận 12 có trên 150 công nhân tự tổ chức bếp ăn tập thể cho công nhân 1-3 suất ăn/ngày. Trong đó, nhiều đơn vị có bếp ăn phục vụ lên đến 1.000 người như Tân Phong, Phương Khoa, Tân Châu, Lộc Ích, Tân Phú Cường...
Bác sĩ Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm y tế quận 12, cho biết, Công ty Thiên Lộc không phải là trường hợp cá biệt vi phạm. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đối với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường gặp những vi phạm như dụng cụ phục vụ ăn uống, chế biến, tồn trữ, bảo quản thực phẩm sai quy định; nhân viên trực tiếp sản xuất chưa được trang bị kiến thức cơ bản về bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân.
Nguyên nhân của những vi phạm, ông Chánh lý giải, do doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, khi có ngộ độc thì mới sửa, cải tạo. Thậm chí, có đơn vị né tránh, không hợp tác khi đoàn đến kiểm tra, giao khoán cho cấp dưới hoặc thầu bếp ăn để tránh trách nhiệm khi có sự cố.
Do đó, theo ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, thời gian tới, Sở sẽ kết hợp với Sở Công nghiệp để tác động tới doanh nghiệp, làm thay đổi nhận thức và hành động. Sở sẽ tập huấn cho chủ doanh nghiệp về nội dung an toàn thực phẩm, nhấn mạnh cải thiện bếp ăn cho công nhân là điều kiện quan trọng cho đơn vị đạt các chuẩn ISO, HACCP... "Chúng tôi sẽ giảng cho họ bằng phim, đưa ra mô hình mẫu tổ chức bếp ăn tập thể tùy từng mức đầu tư. Họ có thể chọn mô hình nào phù hợp nhất với tình hình tài chính. Các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng bếp ăn của mình", ông Giang nói.
Lê Nhàn
▪ Cây cảnh trong nhà cũng gây dị ứng (16/05/2005)
▪ Ôm hận cả đời vì sửa mũi dạo (16/05/2005)
▪ Hong Kong sẽ có luật 'bữa trưa' (16/05/2005)
▪ Kiểm tra nhanh thể trạng bằng máy BCA (16/05/2005)
▪ Bệnh điếc đột ngột gia tăng (16/05/2005)
▪ WHO: Việt Nam không từ chối chia sẻ thông tin về cúm gà (14/05/2005)
▪ Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ (15/05/2005)
▪ Chữa mất ngủ bằng xoa bóp, bấm huyệt (15/05/2005)
▪ Văcxin MMR không gây viêm ruột (16/05/2005)
▪ Gia tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư vú (13/05/2005)