![]() |
Vi khuẩn ho gà. |
Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân và rất dễ lây. Ho gà có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phế quản - phổi, viêm não, viêm tai giữa..., thậm chí tử vong. Tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng ngừa.
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Ở những quần thể trẻ chưa được miễn dịch, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Thủ phạm gây bệnh là vi khuẩn ho gà (Hemophyllus pertussis) và các vi khuẩn phó ho gà (H. parapertussis). Từ những giọt nước bọt của trẻ ốm tung ra khi ho, hắt hơi, nói, vi khuẩn xâm nhập cơ thể trẻ khác, đến cư trú và phát triển ở khí quản và các phế quản lớn, nhỡ. Tại đây, vi khuẩn gây viêm hoại tử niêm mạc khí, phế quản, kích thích bài tiết chất nhày, làm xuất hiện những cơn co thắt phế quản và những cơn ho rũ. Độc tố của vi khuẩn cũng ức chế trung tâm hô hấp ở hành tủy, gây ra những cơn ngừng thở.
Ở thể điển hình, triệu chứng nổi bật nhất của bệnh là những cơn ho rũ rượi và khạc đờm dãi. Sau vài dấu hiệu sơ sài (sốt nhẹ dưới 38 độ C, thúng thắng ho, chảy nước mắt nước mũi), cơn ho rũ xuất hiện. Trẻ ho nhiều hơn rồi ho liên tục đến ngày thứ 8-10, ho thành cơn rõ rệt. Các thuốc giảm ho thông thường không có tác dụng. Trẻ ho nhiều về đêm và lúc gần sáng. Cơn ho có thể xảy ra vô cớ hoặc do một kích thích nhẹ, một cố gắng nhẹ như đang ăn, cử động. Có thể trẻ đang chơi đột nhiên ngừng lại, vẻ mặt lo lắng rồi ôm lấy mẹ hoặc người bên cạnh; có trẻ giẫy giụa khóc hoặc sau giây lát bần thần như suy nghĩ rồi nổi cơn ho.
Trẻ ho rũ rượi hàng thôi hàng hồi không sao kìm được. Sau 5-10 hoặc 15-20 chập ho liên tiếp và yếu dần, trẻ ngừng thở, lồng ngực bệnh nhi căng lên, mặt tím lại, phù lên, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt; rồi trẻ thở rít vào một tiếng. Tiếng rít nghe gần giống tiếng hít vào của con gà trống sau khi vừa gáy một hồi dài. Cứ như thế cho đến khi trẻ khạc ra được ít dãi dính. Lúc này trẻ có thể nôn ra thức ăn hoặc dãi trắng trong như lòng trắng trứng. Bệnh nhi mệt nhọc, bơ phờ, mình đẫm mồ hôi, thở gấp, tim đập mạnh rồi dần dần hồi tỉnh. Mỗi ngày trẻ có thể ho 15-20 cơn, có khi nhiều hơn. Mỗi cơn dài chừng 2-3 phút. Số cơn ho tăng dần và đạt đến mức cao nhất ở tuần thứ ba hoặc tuần thứ tư của bệnh.
Những cơn ho kéo dài và liên tục làm trẻ suy sụp nhanh, gầy xanh, nặng mặt, nhất là nặng mi mắt. Ở một vài tuần đầu (từ khi ho thành cơn), trẻ có thể bị loét hãm lưỡi (do hãm lưỡi va vào răng cửa dưới khi ho). Vết loét nom như vết khía, đỏ hoặc hơi xám. Một số trẻ có thể bị sa ruột hay lồng ruột, chảy máu cam, chảy máu quanh giác mạc, chảy máu tai...
Bệnh tiến triển đến tuần thứ ba hoặc tuần thứ sáu thì thuyên giảm. Cơn ho thưa và ngắn dần rồi khỏi, toàn trạng trẻ khá dần, nhưng thỉnh thoảng lại vô cớ nổi lên một cơn ho. Những trường hợp nặng, thể trạng yếu lâu lại sức hơn. Do phản xạ thần kinh, trẻ còn ho một thời gian nữa, có thể ho đến mấy tháng sau. Một số trẻ có thể bị các biến chứng viêm phế quản - phổi, viêm não, viêm tai giữa... Viêm phế quản - phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác là biến chứng hay gặp nhất. Trẻ đang ho cơn chuyển thành ho tiếng một, có đờm, kèm theo sốt cao, khó thở, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể chết vì suy hô hấp.
Viêm não do ho gà có biểu hiện là trẻ tự nhiên sốt lại, sốt cao dần lên trong vài ba ngày rồi nằm lả hoặc trằn trọc, đầu lắc lắc, kêu khóc, co giật tay chân hoặc bị liệt một chi, liệt nửa người. Trẻ thường bị chết trong cơn hôn mê. Những trường hợp qua khỏi thường để lại di chứng về vận động, tinh thần, trí tuệ.
Ở trẻ sơ sinh, những cơn ho thực sự là nỗi hoảng sợ cho cha mẹ. Do không khạc nhổ được, dãi bị ứ đọng ở hầu họng, từ đó gây bội nhiễm các vi khuẩn khác và dễ bị sặc. Do bị nôn nhiều, việc nuôi dưỡng bị trở ngại, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Chất nôn có thể lạc vào đường thở làm tắc phế quản gây xẹp phổi. Có khi trẻ chỉ ho vài tiếng hoặc hắt hơi rồi ngừng thở, ngạt thở, tím tái và co giật.
Ngày nay, nhờ những tiến bộ của công tác hồi sức và chống nhiễm khuẩn, phần lớn các cháu bị ho gà được cứu chữa khỏi. Việc dùng kháng sinh sớm kết hợp với thuốc giảm ho, chống dị ứng, an thần và hút đờm dãi... ngay từ khi bệnh mới phát có thể cải thiện được diễn biến của bệnh, giảm rõ rệt biến chứng và tỷ lệ tử vong do biến chứng.
Các trường hợp không có biến chứng và trẻ lớn có thể điều trị tại nhà. Ở những trẻ dưới 1 tuổi, bệnh thường nặng, trẻ dễ bị ngạt thở nên cần được theo dõi sát sao và chăm sóc chu đáo ở một cơ sở điều trị có phương tiện và nhóm kỹ thuật hồi sức cấp cứu thành thạo.
Mọi trẻ ho gà đều phải cách ly trong 40 ngày kể từ khi bệnh phát. Những trường hợp nặng hoặc nhà chật chội, đông con nhỏ nhất thiết phải cách ly và điều trị tại bệnh viện. Cho trẻ nằm nghỉ tại giường. Cần bố trí trẻ nằm phòng riêng, bảo đảm thoáng, ấm, đủ ánh sáng, không có bụi bặm, khói thuốc lá; chú ý giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh đột ngột; chú ý giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng. Quần áo, khăn mùi xoa, đồ dùng... của trẻ ốm cần được luộc sôi hoặc ngâm trong nước xà phòng đặc.
Cho trẻ ăn từng ít một, ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng, dễ tiêu và đủ chất, giàu đạm. Với trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ nôn phải cho ăn bù ngay. Nếu trẻ ăn vào lại nôn, cần cho ăn qua ống thông dạ dày hoặc truyền dịch để tránh bị suy dinh dưỡng; chú ý bù nước và điện giải trong trường hợp trẻ nôn (uống oresol).
Cần theo dõi sát sao để phát hiện kịp thời và xử trí ngay khi trẻ bị co giật, ngừng thở. Cho trẻ thở oxy hoặc hà hơi thổi ngạt. Nếu tự nhiên trẻ sốt lại, ho tiếng một hoặc có hiện tượng mệt mỏi nhiều, lơ mơ, li bì hoặc co giật, cần nhanh chóng cho trẻ đi bệnh viện hoặc mời thầy thuốc đến khám bệnh ngay.
Với các cháu nhỏ dưới 10 tuổi là anh chị em của bệnh nhân, phải cách ly trong 21 ngày kể từ khi đã cách ly trẻ ốm. Hằng ngày cho nhỏ mũi acgyrol 1% hoặc chloramphenicol 0,4%. Sau thời gian này, nếu trẻ không ho thì cho ngừng cách ly. Những trẻ lớn hơn không cần cách ly nhưng phải theo dõi 14 ngày.
Trong các vườn trẻ và lớp mẫu giáo nếu có một cháu bị ho gà thì phải nhỏ mũi acgyrol cho các cháu khác. Những cháu bị sốt, ho phải được cách ly ngay.
Bệnh ho gà có thể dự phòng hiệu quả bằng vacxin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Vacxin này được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch sau:
- Mũi 1: Trẻ đủ 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Trẻ đủ 3 tháng tuổi.
- Mũi 3: Trẻ đủ 4 tháng tuổi.
BS. Nguyễn Long Châu, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Khai trương ngân hàng DNA tại Bắc Kinh (29/12/2004)
▪ Ăn gì để ngừa ung thư tiền liệt tuyến ? (30/12/2004)
▪ Đau lưng (29/12/2004)
▪ Mổ cận thị (29/12/2004)
▪ Nguyên tắc ăn uống của người mắc bệnh gan mật (29/12/2004)
▪ Chốc lây - bệnh hay gặp ở trẻ em (29/12/2004)
▪ Gene ung thư ngực liên quan đến bệnh ung thư buồng trứng (28/12/2004)