Khám chữa miễn phí: Người cần nhưng không đủ tiêu chuẩn
Các Website khác - 18/06/2005
gbhfgtjn
Chờ để được khám dịch vụ tại Bệnh viện Nhi đồng I.

Khu khám dịch vụ tại Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, mỗi ngày có mấy nghìn người kiên nhẫn chờ khám cho con. Trong số đó lượng bệnh nhi ở ngoại tỉnh chiếm gần một nửa. Họ phải chọn khám dịch vụ vì không đủ tiêu chuẩn để khám miễn phí.

Các bệnh viện nhi thành phố chỉ miễn phí cho trẻ tại thành phố đi đúng tuyến và từ tỉnh chuyển lên đúng thủ tục. Trong khi đó, đa số người dân ở tỉnh tự ý đưa con lên khám không đúng theo trình tự phân tuyến nên dù rất cần con họ cũng không được miễn phí. Trường hợp của cháu Võ Thanh Sơn được bố đưa từ Long An lên Bệnh viện Nhi đồng I để tái khám tai là một điển hình. Bố cháu cho biết: "Vợ chồng tôi chỉ là công nhân, đến bệnh viện tỉnh thì được miễn phí nhưng tai con tôi bị viêm xuất tiết, khám, uống thuốc mấy lần ở tỉnh rồi mà không giảm chút nào. May mà tôi đưa cháu lên đây kịp nên chưa sao. Không có tiền nên tôi vay mượn để đưa con đi, phải chi ở đây cũng miễn phí thì đỡ cho dân nghèo chúng tôi quá".

Trong khi đó, dân thành phố lại không mấy người cần đến sự miễn phí này. Chị Nhung nhà ở quận 11 nói: " Đến Bệnh viện chuyên nhi khám dịch vụ cho chắc ăn, tốn một ít tiền để mua lấy sự yên tâm còn hơn". Đa số phụ huynh ở thành phố đều có chung tâm trạng với chị, rằng "bác sĩ ở bệnh viện chuyên khoa chắc chắn giỏi hơn bác sĩ ở trung tâm y tế". Có điều kiện hơn như chị Tâm nhà quận 1 thì chọn cách đưa con đến bác sĩ tư hoặc bệnh viện tư. "Chất lượng phục vụ ở đó cao và khám chữa bệnh là những bác sĩ giỏi, hơn nữa lại không mất thời gian chờ đợi như ở bệnh viện nhi", chị nói.

Một số bậc phụ huynh có hiểu biết về y khoa thì càng có lý do để từ chối sử dụng thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ. Chị Nhàn, có chồng là bác sĩ, cho biết: "Bác sĩ và báo đài vẫn khuyến cáo rằng nếu có dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc các bệnh đường hô hấp trên, là những bệnh dễ biến chứng nguy hiểm, thì nên đưa ngay trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời. Vậy nên tôi đưa con đến bệnh viện chuyên khoa chứ không qua tuyến nào cả".

Sơ kết hai tuần đầu tiên thực hiện khám chữa bệnh miễn phí với quy định phân tuyến, cả hai bệnh viện nhi thành phố chỉ có 0,5% bệnh nhi được miễn phí trong số 80.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị. "Sẽ còn ít hơn nữa nếu Ban giám đốc không có sự linh động giải quyết cho những trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhưng quá khó khăn. Vì là mới nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sắp tới bệnh viện sẽ mở rộng hơn nữa và cố gắng hết sức để ngày càng có nhiều trường hợp được miễn phí", bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng I, cho biết. Nhưng ông cũng khẳng định nếu bỏ phân tuyến thì bệnh viện không cáng đáng nổi, vì hiện nay mỗi ngày Nhi đồng I có khoảng 4.000 trẻ đến khám. Mỗi bác sĩ phải khám 100-120 trẻ. Đây đã là một áp lực rất lớn về công việc và cả nhân sự của bệnh viện.

"Song chỉ có chưa đến 40% bệnh nhi thật sự cần đến Bệnh viện Nhi đồng I, còn hơn 60% chỉ cần đến các Trung tâm y tế là được. Tâm lý thích bệnh viện lớn của người dân làm chính họ tốn kém và tạo áp lực trong khám chữa bệnh cho bệnh viện", bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng I, cho biết.

Để giảm bớt gánh nặng về số lượng bệnh nhân cho hai bệnh viện nhi, Sở y tế có kế hoạch phối hợp với bệnh viện nâng cao chuyên môn cho các cơ sở điều trị tuyến dưới, như tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế các cấp, tăng cường bác sĩ của bệnh viện về các trung tâm nếu cần thiết... Trước mắt sẽ tổ chức lớp tập huấn về phương pháp cấp cứu cho các cơ sở.

Theo bác sĩ Hùng, tình trạng quá tải tại bệnh viện nhi hiện nay chỉ là do thói quen của người dân. Cần có thời gian để thay đổi suy nghĩ của người dân cũng như để các cơ sở y tế tuyến dưới củng cố niềm tin của dân trong chất lượng khám bệnh. Và điều này cũng phù hợp với mục tiêu ban đầu của phân tuyến là để các cơ sở tuyến dưới nâng cao chất lượng điều trị.

Mỹ Lan