Không tiêm phòng cho trẻ vì sợ văcxin kém an toàn
Các Website khác - 06/05/2005
Tiêm phòng cho trẻ.

Nguyên nhân khiến phần lớn cha mẹ ngại cho trẻ đi tiêm chủng là vì lo ngại rằng, văcxin nguy hiểm hơn chính căn bệnh mà nó ngăn ngừa.

Thực tế là văcxin "cực kỳ an toàn và hiệu quả", tiến sĩ Daniel. A. Salmon, trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, Anh, khẳng định. Không cho trẻ tiêm phòng đồng nghĩa với việc để mặc trẻ yếu ớt đối phó với những căn bệnh chết người.

Tiến sĩ Salmon đã lấy ví dụ ở Anh và Scotland, nơi mà nhiều người đã lựa chọn phương án không tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR) cho trẻ, gây ra các đợt bùng phát bệnh. Còn tại Mỹ, những trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh sởi cao gấp 35 lần so với những năm trước đây.

Theo một điều tra mới đây ở Mỹ, ngày càng nhiều phụ huynh bắt đầu đặt câu hỏi về tính cần thiết của văcxin đối với trẻ, và băn khoăn rằng liệu có thực sự cần thiết phải tuân theo lịch tiêm chủng kéo dài từ lúc trẻ 3 tháng tuổi cho đến tận năm 13 tuổi. Nguyên nhân gây lo lắng một phần bắt nguồn từ những báo cáo trước đây rằng văcxin MMR có thể gây bệnh tự kỷ, mặc dù một số nghiên cứu gần đây đã khẳng định chúng chẳng có liên quan đến nhau.

Để tìm hiểu vì sao cha mẹ không muốn tiêm phòng cho trẻ, Salmon và cộng sự đã tái phân tích cuộc điều tra trên gần 2.500 cha mẹ về việc lựa chọn văcxin. Gần 300 trẻ trong đó đã miễn một số loại văcxin. Kết quả cho thấy, cứ trong 10 phụ huynh thì lại có 7 trường hợp yêu cầu miễn tiêm phòng vì lo ngại tính an toàn của văcxin. Họ cho biết có rất ít niềm tin vào tính hiệu quả của văcxin, và không mấy lo ngại về nguy cơ nhiễm những bệnh có văcxin ở trẻ. Người ta cũng có xu hướng không mấy tin tưởng vào các thông tin của văcxin mà chính phủ và cán bộ y tế cộng đồng cung cấp.

Để cải thiện tình trạng này, theo Salmon, cần giáo dục hiệu quả cho các bậc phụ huynh về độ tin cậy của các loại văcxin và tính nguy hiểm của những căn bệnh mà chúng giúp phòng tránh.

Mỹ Linh (theo Reuters)