Mối nguy từ nghề... ngậm chì
Các Website khác - 05/05/2005

Ở nhiều làng chài tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân có thêm nghề đan lưới bạc. Họ cho cả vốc chì vào miệng ngậm rồi lừa từng miếng ra hàm răng để đính nó vào lưới. Nhiều người trong số họ phải đến bệnh viện do tác hại của chì.

Cả làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, gần phá Tam Giang) trước đây đều là dân vạn đò, được chuyển lên bờ, tất thảy sống dựa vào nghề lưới bạc. Tại nhà ông Đặng Thu, hai vợ chồng ông đang hì hục gắn chì, kết phao bên tay lưới bạc ở góc nhà. Họ cầm xấp chì lá trên tay, dùng kéo cắt thành từng miếng nhỏ chừng 1 cm2 rồi vốc từng nắm chì vào miệng ngậm; sau đó vừa đưa lưới lên môi, vừa dùng lưỡi lừa từng miếng chì một ra răng cửa. Cả lưỡi lẫn răng cùng cuốn chì vào lưới và sau đó dùng răng đính chì lại thêm lần nữa. Xong, họ lại lừa miếng chì khác ra răng cửa... Lâu lâu, ông bà Thu nhổ một ngụm nước bọt toàn màu đen. Ông nói: “Chì thì có gì mà độc? Không làm nghề này thì biết làm nghề gì đây khi ruộng không có lấy một tấc? Cả làng ai cũng làm mà có sao đâu”.

Ông Thu cho biết, ở Huế (cách đó 30 km) có bán loại lưới sẵn chì, nhưng đó là hàng công nghiệp, chì được đính bằng máy theo lối đại trà nên dùng vài ba bữa là phải làm lại. Và người dân Ngư Mỹ Thạnh cho rằng làm gì có loại máy làm tốt hơn miệng mình. Cả làng ai cũng làm lưới bạc như ông Thu. Sau khoảng một tháng đi bủa vây trên đầm phá, nhà nào cũng phải đem lưới ra sửa, kết chì vào lưới...

Còn ở thôn Tân Vinh, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, nghề ngậm chì cũng sôi động không kém. Toàn thôn có 220 hộ, hầu như nhà nào cũng có nghề lưới bạc. Các cụ Trần Chữ, 83 tuổi, vợ chồng cụ Bùi Chúc 83 tuổi và Ngô Thị Gạc 74 tuổi đã có thâm niên ngậm chì đến 50 năm. Họ cũng cho rằng chì không độc. Tuy nhiên, các cụ già ngậm chì lâu năm đều thừa nhận thường xuyên bị đau bụng, thường thì lâm râm, có khi quặn thắt, sức khỏe yếu hẳn, răng lợi đen thẫm... và luôn trong tình trạng của một người bệnh kinh niên. Thế nhưng không ai biết mình đang có bệnh gì vì không bao giờ đi khám.

Trong khi đó, khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Huế mỗi năm tiếp nhận hàng chục người có hội chứng đau bụng, bán tắc ruột hay táo bón, thiếu máu... Họ đều là ngư dân, đến từ hàng chục làng sống ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi thường có thói quen dùng miệng kết những mảnh chì vào lưới đánh cá. Các bác sĩ phát hiện những bệnh nhân này bị ngộ độc chì mạng do thói quen ngậm kim loại này trong thời gian dài.

Vợ chồng bà Bến vẫn ngày ngày ngậm chì kết lưới.

Một trong số đó là bà Phan Thị Bến, 52 tuổi, trú tại đội Mười, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc, đã nhập viện và chữa trị nhiều lần trong nhiều năm liền. Lần gần đây nhất là cuối năm 2004, bà nhập viện với bệnh viêm dạ dày, chướng bụng, đầy hơi, loét sâu, biến dạng hành tá tràng... Trước khi xuất viện, các bác sĩ nhắc nhở bà đừng ngậm chì nữa. Thế nhưng khi trở về nhà, người phụ nữ có dáng vẻ uể oải, sắc diện tái xanh vì bệnh tật này vẫn ngồi ngậm chì cùng chồng bên tay lưới bạc, lý do là không có nghề làm ăn nào khác.

Ông Trương Hồi, chồng bà Bến, có hàm răng rất ngắn. Những chiếc răng cụt ngủn, đen thẫm nằm trên bờ lợi cũng thâm đen do cắn chì quá nhiều. Người đàn ông 57 tuổi này đã có thâm niên gần 40 năm trong nghề, được xem như người cắn chì giỏi nhất trong vùng. Do ngậm chì nhanh gấp đôi thiên hạ và làm chắc chắn nên từ nhiều năm nay, ông thường xuyên nhận làm thuê lưới bạc cho dân trong vùng. Để kiếm được tiền công 50.000-60.000 đồng, mỗi ngày ông Hồi phải ngậm hơn 1 kg chì để kết vào lưới. Mỗi năm chì vào miệng ông có đến vài tạ.

Một nạn nhân khác của chì là ông Bùi Kháng 55 tuổi, ở Vinh Hiền, bị mổ polyp túi mật do nhiễm chì. Nhưng không nghe lời khuyến cáo của bác sĩ, ông vẫn làm lưới, tiếp xúc với chì. Còn ông Đ.T. (đề nghị giấu tên) ở Quảng Điền bị viêm loét dạ dày nặng cũng do nhiễm chì. Vừa chữa bệnh xong, đang trong giai đoạn sức khỏe ổn định, ông lại phải ngậm chì hằng ngày để kiếm cái ăn trước mắt...

(Theo Tuổi Trẻ)