Không tiếp thị mình, thuốc nội thua trên sân nhà
Các Website khác - 28/03/2005
Một khâu trong dây chuyền sản xuất thuốc.

“Để tăng sức cạnh tranh, chúng tôi ra sức hạ giá thành sản phẩm, nhưng hạ mãi đến cạn cả lực mà thuốc vẫn không bán được. Hóa ra giảm giá cũng chẳng ăn thua vì có ai biết đến mình đâu, trong khi thuốc ngoại được quảng cáo rầm rộ” - bà Phạm Thị Việt Nga, Giám đốc Công ty Dược Hậu Giang tâm sự.

Mặc dù được công nhận là có chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng thuốc sản xuất trong nước vẫn chỉ chiếm hơn 20% tổng số mặt hàng thuốc sử dụng trong bệnh viện. Theo thạc sĩ Tô Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thuốc nội còn nhiều nhược điểm như hạn sử dụng ngắn, bao bì bảo quản còn chưa tốt, hướng dẫn sử dụng sơ sài; một số công ty chưa in hạn dùng trên ống thuốc. Một lý do khác mà nhiều bác sĩ đưa ra để giải thích cho thói quen kê đơn thuốc ngoại là họ nhớ được rất ít tên thuốc sản xuất trong nước.

Bà Việt Nga cho biết, cách đây không lâu, công ty Dược Hậu Giang điều tra tại một số bệnh viện, nhà thuốc và nhận thấy rất ít bác sĩ và người tiêu dùng nhớ được các tên thuốc nội. Từ đó, doanh nghiệp này mới giật mình nhận thấy mình đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường. Văn phòng của công ty đã có mặt 10 năm trên đất Bắc nhưng chưa đặt chân vào được các bệnh viện ở đây. Theo bà Nga, lỗi không phải ở các bác sĩ: “Chúng tôi từng tự hào là mình sản xuất được hơn 200 mặt hàng mà không biết rằng điều đó chẳng ý nghĩa gì nếu không mặt hàng nào được nhớ tên. Và để bán được hàng, chúng tôi hạ giá sản phẩm. Dược Hậu Giang từng có loại thuốc cảm giá chỉ 40 đồng/viên, nhưng người dân vẫn cứ mua thuốc ngoại giá 600 đồng/viên. Người ta đâu có biết thuốc của chúng tôi rẻ mà mua; có biết cũng không tin tưởng vì rẻ quá. Mà cứ giảm giá, dẫn đến giảm doanh thu thì lấy tiền đâu để quảng cáo”.

Ông Hoàng Hữu Đoàn, Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1 cũng thừa nhận, hạ giá thuốc không phải là một biện pháp hiệu quả để tăng tính cạnh tranh. Ông cho biết, trong các mặt hàng được điều chỉnh giá của công ty thời gian qua, những thuốc được tăng giá đều là do tăng chi phí sản xuất; nhưng các thuốc được giảm đều vì mục đích cạnh tranh thị trường. Công ty này hạ giá thuốc, công ty khác cũng hạ theo. Kết quả là các đơn vị sản xuất dược trong nước chỉ làm khổ lẫn nhau và làm khổ chính mình: tỷ suất lợi nhuận giảm, thuốc vẫn ế. Trong khi đó, các thuốc ngoại từ loại kê đơn đến không kê đơn đều tăng giá vù vù mà vẫn bán chạy.

Theo ông Đống Viết Thắng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược, các doanh nghiệp cần tăng cường việc tiếp thị mình, phải làm cho người dân và bệnh viện biết đến. Gần đây, nhiều công ty đã nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Công ty Dược Hậu Giang dự định tăng gấp đôi chi phí quảng cáo trong năm 2005 (khoảng 25 tỷ đồng so với 10-12 tỷ đồng những năm trước) và tập trung giới thiệu một số mặt hàng tiêu biểu để được biết mặt nhớ tên. Một số công ty như Dược Nam Hà, Traphaco… đã quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy năm nay. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp dược địa phương khác vẫn cứ âm thầm sản xuất, và sở dĩ bán được hàng là nhờ đặc quyền cung ứng thuốc cho bệnh viện địa phương mình. Cách này không thể áp dụng nếu quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện được thực hiện nghiêm túc.

Nhiều doanh nghiệp dược trong nước thừa nhận, một trong những lý do khiến thuốc nội thua ngay trên sân nhà là đã không coi trọng vai trò của các trình dược viên như các hãng thuốc ngoại. Chính các trình dược viên đã góp phần đắc lực đưa thuốc vào bệnh viện, họ buộc các bác sĩ nhớ tên sản phẩm và kê thuốc của họ cho bệnh nhân. Trong khi đó, cách giới thiệu thuốc của các doanh nghiệp dược nội địa chỉ là tổ chức vài buổi hội thảo. Trả lời câu hỏi “quý công ty có định chú trọng sử dụng trình dược viên trong các chiến dịch tiếp thị của mình hay không”, ông giám đốc Dược phẩm trung ương 1 lắc đầu, lý do là đã có quy định cấm trình dược viên gặp bác sĩ trong giờ làm việc, còn gặp ngoài giờ thì sẽ là “đi cửa sau”. Mặt khác, việc dùng trình dược viên sẽ rất tốn kém, trong khi Nhà nước quy định các chi phí quảng cáo, tiếp thị, hội thảo… không được vượt quá 10% doanh thu. Ông Đoàn cho rằng quy định này đã trói tay trói chân doanh nghiệp, có muốn tăng cường quảng cáo, tự giới thiệu cũng đành chịu.

Ngoài việc không chú trọng quảng cáo, ông Đống Viết Thắng cho rằng, cơ cấu sản phẩm không hợp lý cũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của dược nội địa. Thay vì sản xuất những thuốc bệnh viện cần, các doanh nghiệp lại chỉ sản xuất những gì mình có khả năng. Bệnh viện rất cần các thuốc đặc trị nhưng rất ít sản phẩm loại này được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các thuốc thông thường lại có quá nhiều, chẳng hạn Paracetamol có đến vài chục biệt dược. Theo ông Thắng, nên tăng mối liên hệ giữa công ty dược và bệnh viện bằng cách thành lập các tổ tư vấn; trong đó các bác sĩ sẽ khuyên nhà sản xuất nên đầu tư cho mặt hàng nào.

Một số công ty cũng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của các thuốc đặc trị. Chẳng hạn, Dược Hậu Giang đang chuyển hướng sản xuất và giới thiệu một số kháng sinh đặc trị, xem đó là thế mạnh và là đại diện của công ty, thay vì chỉ làm những thuốc “ai cũng sản xuất được” như trước đây.

Thanh Nhàn

Ý kiến của bạn