![]() |
Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D để phòng bệnh loãng xương |
Chúng ta đều biết loãng xương (LX) có thể dẫn đến gãy xương, song nhiều người vẫn cho rằng đó là căn bệnh riêng của phụ nữ khi về già và để phòng tránh hoặc chữa bệnh thì chỉ cần... uống sữa là đủ (!). Ngày 18/3 vừa qua, tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM, trong buổi Trò chuyện với thầy thuốc, bác sĩ Nguyễn Văn Quang (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) đã cho biết rõ hơn về căn bệnh này.
Những điều cần biết về bệnh loãng xương
Xương cấu tạo nhờ canxi và khoáng chất. LX là do các chất này bị mất đi, xương mỏng dần, thiếu vững chắc, dễ nứt, gãy.
Một vài dấu hiệu nhận biết bệnh LX: Căn bệnh tiến triển thầm lặng, chỉ biểu hiện sự đau nhức khi ta phạm sai sót trong sinh hoạt. Đau lưng dữ dội khi ta cúi khom lưng hay mang một vật hơi nặng, đau từ sau lưng lan ra trước bụng, giảm đau khi nghỉ ngơi. Nếu bệnh nặng kéo dài có thể dẫn đến giảm chiều cao, gù lưng.
Đa số bệnh nhân không hề thấy đau cho tới khi do một chấn thương nhẹ dẫn đến gãy xương hoặc tình cờ khám bệnh mới nhận ra mình bị LX.
LX là một bệnh khá phổ biến và có thể xảy ra với mọi giới, tuy nhiên nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ năm 2000 trên 1.530 phụ nữ tuổi từ 24-94 cho thấy trong số những người trên 55 tuổi có vóc dáng gầy ốm và bị lùn đi thì có tới 91,3% bị LX. Một nghiên cứu khác tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (1/1998 - 12/2002): tỷ lệ phụ nữ mãn kinh từ 55 tuổi trở lên bị gãy cổ xương đùi là 74%, gấp 3 lần so với nam giới cùng tuổi. Bình quân cứ 3 phụ nữ mãn kinh thì 1 người bị LX, 8 người đàn ông lớn tuổi thì 1 người bị LX. Hậu quả của LX là gãy xương, ảnh hưởng tới khả năng lao động, chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân
Để phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả, những người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh, thể trạng gầy yếu hoặc mập phì, những người từng bị gãy xương, bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticoid,... nên đi đo mật độ xương ở các cơ sở y tế - một phương pháp đơn giản, không đau, không chảy máu. Những địa chỉ đo mật độ xương tại TP.HCM: Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thạnh; Bệnh viện ĐH Y Dược; BV Phạm Ngọc Thạch; BV Triều An; Phòng khám Thiên Ân; BV Trưng Vương; TT Y tế Q.4; Trạm Y tế P.8, Q.Phú Nhuận. |
+ Di truyền.
+ Cân nặng. Người gầy ốm hay mập phì cũng đều dễ bị LX.
+ Thiếu nội tiết tố nữ (estrogen). Sau khi mãn kinh, nội tiết tố nữ trong cơ thể phụ nữ bị thiếu hụt nghiêm trọng sẽ làm xương mất đi nhiều hơn nên dễ bị LX hơn. Với những người sinh con nhiều lần hay phải phẫu thuật cắt buồng trứng hai bên cũng có nhiều nguy cơ bị LX.
+ Ít vận động, sống tĩnh tại.
+ Chế độ ăn thiếu hụt canxi và khoáng chất, thiếu vitamin D. Ăn nhiều đạm động vật.
+ Những thói quen có hại: Uống cà phê nhiều, hút thuốc, uống rượu.
+ Bệnh lý và dùng thuốc: Một số người mắc bệnh cường giáp, suy tuyến sinh dục bẩm sinh, suy thận mãn... xương dễ bị phá hủy. Những người dùng các loại thuốc corticoid như thuốc đề-xa (dexamethasone) dễ bị mất xương.
Phòng ngừa loãng xương
Biện pháp hiệu quả nhất là hãy chủ động giảm những yếu tố nguy cơ. Vận động điều độ, phù hợp lứa tuổi, tạo sự dẻo dai cho cơ thể. Tránh rượu, thuốc lá, uống ít cà phê, thận trọng khi dùng thuốc.
Ngoài ra, cần lập một chế độ ăn đa dạng, giàu canxi và khoáng chất. Những phụ nữ ở tuổi mãn kinh, nam giới trên 65 tuổi và bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticoid, nên bổ sung ít nhất từ 1.000-1.500 mg canxi mỗi ngày. Chỉ uống sữa chứa canxi không thôi cũng không ngừa được LX. Xương cần cả canxi và các khoáng chất khác. Cũng có nhiều người không hấp thu được canxi từ sữa. Sữa, pho mát, sữa chua, hải sản, nấm mèo, cần tây, vừng, rau dền... là những thực phẩm dồi dào canxi. Ngoài ra cần bổ sung nguồn vitamin D (trong sữa, trứng, nấm tươi, cá hồi, lươn, trai, sò...) để cơ thể hấp thu được canxi. Phơi nắng 30 phút/ngày giúp da tổng hợp vitamin D. Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn đa dạng, giúp hình thành xương cho thai nhi. Đảm bảo đủ canxi và chất đạm trong suốt quá trình phát triển.
Y Linh
(ghi)
▪ Nếu uống 6 tách cà phê mỗi ngày... (26/03/2005)
▪ Hãy chăm sóc kỹ đôi chân nếu bị tiểu đường (25/03/2005)
▪ Triển vọng từ ca ghép thận thành công cho bệnh nhi thứ hai (25/03/2005)
▪ SARS có thể lây truyền qua không khí (26/03/2005)
▪ Cá trê cũng là vị thuốc (26/03/2005)
▪ Lao sơ nhiễm và lao vú dễ gây hậu quả nghiêm trọng (25/03/2005)
▪ Bệnh basedow và cách điều trị (25/03/2005)
▪ 6 căn bệnh tử thần ở trẻ (25/03/2005)
▪ Tạo tế bào thần kinh từ phôi gà (25/03/2005)
▪ Thêm một ca tử vong do H5N1 (25/03/2005)