![]() |
Một người ra khỏi chợ gia cầm ở Hà Nội mang theo 5 con gà. (Ảnh AFP) |
Từ 20/6 đến nay, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận thêm 2 trường hợp nhiễm virus cúm A H5N1; trong đó một người đã tử vong ngày 28/6. Bệnh nhân này 73 tuổi, sống ở Hà Nội và nhập viện cách đây 1 tuần.
Như vậy, từ đầu mùa dịch (tháng 12/2004) đến nay, Việt Nam đã có 60 người nhiễm cúm A từ 23 tỉnh, thành phố; 19 người trong số họ đã tử vong. Điều đặc biệt của đợt dịch này là diễn biến kéo dài và liên tục, không hề chấm dứt ngay cả khi trời nắng nóng. Vì vậy, Bộ Y tế dự đoán, bệnh có khả năng sẽ bùng phát thành dịch lớn vào dịp đông xuân sắp tới. Điều mà các chuyên gia lo ngại nhất là virus có vẻ đang biến đổi theo hướng dễ lây lan sang người hơn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A, Bộ Y tế đã công bố triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp phải phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để bao vây dập tắt dịch cúm gia cầm tại địa phương, chú ý những hộ chăn nuôi nhỏ. Chiến dịch vệ sinh môi trường trên toàn quốc vẫn sẽ được thực hiện suốt từ nay đến cuối năm nhằm ngăn virus H5N1 phát tán rộng ra môi trường. Bộ y tế cũng đề nghị chính quyền các địa phương thông báo đến từng hộ gia đình việc phát hiện dịch cúm ở gia cầm, quản lý chặt chẽ đàn thuỷ cầm, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bệnh. Các cơ sở y tế phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A để cách ly điều trị kịp thời, hạn chế tử vong; đồng thời phối hợp với thú y để xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm, xây dựng ngay kế hoạch hành động khi có dịch lớn xảy ra tại địa phương.
Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng dịch, giúp người dân hiểu và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng.
Trong các buổi làm việc với Bộ Y tế, phía Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tiếp tục khuyến cáo Việt Nam phải hết sức cảnh giác với sự biến chủng của virus H5N1. Suốt tuần qua, 10 chuyên gia của tổ chức này đã phối hợp với ngành y tế để xem xét, đánh giá các phòng thí nghiệm và công tác giám sát dịch tễ ở Việt Nam. Song, họ đánh giá thấp nguy cơ bùng phát đại dịch sắp tới.
"Dựa vào kết quả khảo sát ban đầu, nhóm khoa học không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ virus H5N1 đã mở rộng sang con người" - đại diện của WHO tại Việt Nam, ông Hans Troedsson cho biết - "Điều quan trọng nhất là có thể bác bỏ nhận định trước đây rằng sắp có một đại dịch. Mặc dù virus đang lan rộng và nguy cơ vẫn còn đó, song đại dịch không xảy ra tức thì như chúng tôi nghi ngờ ban đầu".
Troedsson cũng thông báo: "Dường như virus không thay đổi. Các mẫu bệnh phẩm được kiểm tra không cho thấy sự biến đổi". Vị đại diện gọi kết quả này là "một tin rất vui".
Trước đây, WHO dự báo rằng hàng triệu người có thể thiệt mạng nếu chủng H5N1 đột biến và dễ dàng lây bệnh trong cộng đồng người, gây đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, đoàn khảo sát quốc tế đã kết luận rằng dữ liệu sơ bộ không cho thấy bất kỳ dấu hiệu gia tăng nào về hiệu lực truyền bệnh của virus từ gia cầm sang người và cả từ người sang người. Họ cũng chưa thể khẳng định về việc một số người có thể đã nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Kết quả khảo sát mới nhất của nhóm khoa học được đón nhận như một "tin tốt lành", song trong bài phát biểu độc lập, trưởng nhóm Hitoshi Oshitani vẫn cảnh báo: "Do các loài virus cúm thay đổi liên tục, WHO khuyên Việt Nam và các nước trên thế giới tiếp tục thận trọng".
Hải Hà - Mỹ Linh
▪ Béo phì - trình trạng khẩn cấp mới về dinh dưỡng (30/06/2005)
▪ Căn bệnh dai dẳng viêm họng hạt (30/06/2005)
▪ Càng 'lắc' càng... tổn thọ (29/06/2005)
▪ Cứu sống một người dập nát nội tạng (29/06/2005)
▪ Khẳng định phóng xạ làm tăng nguy cơ ung thư (29/06/2005)
▪ Bài tập vận động toàn thân (29/06/2005)
▪ Sữa mẹ ngăn ngừa cận thị (29/06/2005)
▪ Răng đẹp nhờ ống mút (29/06/2005)
▪ Nhiều sắt và lipid dễ gây ung thư (29/06/2005)
▪ Vitamin C phòng cảm lạnh kém (30/06/2005)