Tiêu thân răng
Tiêu thân răng là bệnh phá hoại hình chêm ở mặt ngoài của răng ở sát lợi (khác với răng mòn vì không có răng đối diện). Lúc đầu nơi tiêu thân răng chỉ là một rãnh nhỏ gần cổ răng, lúc tiêu thân răng đã lớn, người bệnh đi khám vì ê buốt do kích thích như sâu ngà hay đau nhức như viêm tủy. Ở cổ răng chỗ tiêu kiểu hình thước thợ với mặt răng, tạo thành hình chữ V mở ra phía mặt men răng. Mặt chỗ tiêu răng nhẵn và cứng. Tiêu răng có thể thấy ở cả hàm trên và hàm dưới, dần dần buồng tủy hẹp lại, thân răng có thể bị gãy.
Điều trị: Đánh răng bằng bàn chải mềm, hàn chỗ tiêu răng.
Răng bị ăn mòn
Các tổ chức cứng của răng bị ăn mòn bởi axit, do nghề nghiệp hoặc thức ăn, do thuốc.
- Răng bị ăn mòn do nghề nghiệp: Ở các xưởng chế tạo axít, nhất là axít mạnh, hơi axít trong không khí ngấm vào nước bọt và ăn mòn răng của công nhân. Hơi axít kích thích niêm mạc mũi nên công nhân quen thở bằng miệng. Răng cửa hàm dưới hay bị ăn mòn ở rìa nhai và ở mặt ngoài. Rìa răng hàm trên cũng vậy, chỉ khi môi trên ngắn thì mặt ngoài răng mới bị ăn mòn. Men răng trở thành không bóng, thô ráp rồi có vết nâu, men mất dần, răng bị đau khi ăn nóng, lạnh, ngọt. Rìa răng chỗ mòn không đều. Ngà răng hở ra thành màu nâu, mềm và bị mòn, có khi mòn tới lợi. Tủy răng không bị viêm vì ngà thứ phát làm kín buồng tủy. Khi răng đã cụt thì ổ răng bị ảnh hưởng, viêm lợi, viêm quanh răng.
Để phòng tránh răng bị ăn mòn, nơi làm việc cần phải thoáng, súc miệng bằng dung dịch kiềm (nabica 3%).
- Răng bị mòn do thuốc: Những tổn thương như trên cũng thấy ở những người bệnh dùng thuốc có axít. Thuốc ảnh hưởng đến răng sau 3 tháng dùng thuốc.
- Răng bị ăn mòn do thức ăn: Ăn nhiều bưởi chua, cam, chanh có chứa axít gây mòn răng, thức ăn ít canxi, thức ăn cứng sẽ gây mòn răng.
Điều trị và dự phòng: Tránh và cách ly những chất axít gây mòn răng, có thể đeo khẩu trang, súc miệng bằng dung dịch trung hòa. Tránh những thức ăn cứng, ráp, nóng, lạnh quá... Nếu răng bị buốt nhiều thì có thể gây tê lấy tủy.
Sún răng
Tổn thương bắt đầu ở phần giữa mặt ngoài hai răng cửa giữa hàm trên lan sang răng cửa bên, răng nanh. Có thể sún cả ở răng hàm sữa trên và dưới. Răng cửa sữa hàm dưới không bị sún. Chấm đen ở men lan rộng, men răng bị vụn, ngà thành màu nâu, đen, sún lan sang mặt bên làm gãy thân răng.
Điều trị: Bôi thuốc có thể làm cho sún răng ngừng phát triển.
Tổn thương ở răng do điều trị bằng tia xạ
Ở trẻ em, do điều trị u máu ở mặt bằng tia xạ, ngoài tổn thương ở răng còn thấy thiếu răng, răng nhỏ, xương hàm kém phát triển. Ở người lớn do điều trị ung thư vùng miệng, vùng hàm hay vùng cổ bằng tia xạ đều gây tổn thương răng (thường sau một năm). Nếu tuyến nước bọt ở vùng tia xạ đi qua, bệnh nhân thường không có nước bọt, răng bị sâu, đầu tiên là răng cửa dưới. Cổ răng có một màu từ vàng đến đen, men vụn, ngà mủn, dần dần gãy răng mà không đau.
Dự phòng: Để dự phòng hoại tử xương hàm do tia xạ, có thể làm máng bảo vệ, nhổ răng ở vùng tia xạ đi qua... giữ vệ sinh răng miệng tốt.
Răng đổi màu
Răng có thể bị đổi màu nâu vàng trong một số bệnh di truyền hoặc do điều trị bằng tetracyclin lúc răng đang mọc. Răng cũng có thể bị đổi màu do vi khuẩn tạo sắc tố (nâu, đen).
Điều trị: Tẩy màu theo phương pháp hóa học, phủ men răng bằng composite.
|