Mùa xuân đã về nhưng tiết trời vẫn lạnh, có nhiều năm mưa rét kéo dài hết mùa xuân. Theo số liệu thống kê, rét muộn ở miền bắc nước ta đã từng xảy ra cho đến tận cuối tháng 4 dương lịch (hết tháng ba âm lịch). Nhiệt độ không khí có năm hạ xuống 8 - 10 độ C ở Bắc Bộ. Có những hôm, rét kèm theo mưa phùn gây cảm giác lạnh không kém gì những ngày mùa đông. Nhân dân ta gọi đợt rét cuối xuân này là "rét nàng Bân".
Ảnh hưởng của lạnh, nhất là lạnh đột ngột đối với cơ thể rất lớn. Nó là nguyên nhân gây ra các chứng cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm phổi... và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp phát triển.
Một đặc điểm quan trọng cần chú ý nữa là trong thời gian chuyển mùa này, thời tiết có nhiều thay đổi đột ngột. Có những khi trời đang rét bỗng trở nên nóng nực tưởng như đã bước sang hè, có hôm thời tiết oi bức thật sự. Nhưng đột nhiên một đợt gió mùa đông bắc tràn về, trời trở lạnh đột ngột, trong khoảng vài giờ, nhiệt độ có thể thay đổi tới 6-7 độ C hay hơn nữa. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết kèm theo những chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy làm cơ thể con người nhiều khi không thích ứng kịp, nhất là người cao tuổi. Cũng vì vậy số các cụ bị ốm trong những ngày thời tiết thay đổi thường cao, phổ biến là các tai biến tim mạch và bệnh phổi, đặc biệt là viêm phổi. Ở đây chúng ta chỉ nói đến viêm phổi, một bệnh nặng và thường gặp ở người cao tuổi trong những đợt lạnh đột ngột, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Có nhiều lý do khiến bệnh viêm phổi ở người cao tuổi trở thành nặng:
- Sức chống đỡ của cơ thể các cụ rất kém, đa số gầy yếu, ăn ít, ngủ ít. Thường phổi các cụ đã có bệnh sẵn như giãn phế quản, giãn phế nang, xơ phổi, suy hô hấp... Nhiều cụ có sẵn các bệnh khác trong cơ thể, như bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan...
- Nguy hiểm hơn cả là các triệu chứng của bệnh rất nghèo nàn, dễ bị bỏ qua ở thời kỳ đầu, đến khi bệnh đã rõ, nghĩ đến viêm phổi thì đã muộn, khó chữa.
- Trong thời kỳ đầu, bệnh viêm phổi của người cao tuổi tiến triển rất âm thầm, lặng lẽ. Thường các cụ chỉ thấy khó chịu, gai rét, sốt nhẹ 37,5 - 38 độ C, ho thúng thắng, nhưng chỉ dăm ngày sau bệnh chuyển nặng hẳn lên. Người bệnh tuy vẫn sốt nhẹ nhưng rất mệt, li bì, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, ho nhiều, khó thở nhưng không khạc được hoặc khạc ra rất ít đờm, tiểu tiện ít, nước tiểu có prô-tê-in. Lúc này bệnh đã nặng, nếu không được điều trị khẩn trương sẽ sinh ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh chết vì suy tim, trụy tim mạch, viêm phế quản - phổi, viêm thận, urê máu cao, áp-xe phổi, nhiễm khuẩn huyết, hôn mê... Nguyên nhân gây ra viêm phổi ở người cao tuổi vẫn là những vi khuẩn, vi-rút sẵn có ở mũi họng, lợi dụng lúc cơ thể các cụ bị suy yếu vì nhiễm lạnh, sức chống đỡ kém, chúng vào đường hô hấp và gây bệnh.
Để đề phòng bệnh, trong suốt mùa xuân, các cụ vẫn phải chú ý phòng, chống lạnh tốt, không để cơ thể bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột rất nguy hiểm. Trong đợt rét muộn tháng ba chúng ta cũng không được chủ quan.
Những ngày rét cuối xuân nguy hiểm không phải vì nhiệt độ không khí xuống quá thấp mà vì tính chất thay đổi đột ngột. Trời đang ấm trở lạnh bất ngờ, nhiệt độ hôm trước hôm sau, ban ngày và ban đêm nhiều khi chênh lệch rất lớn. Cũng vì vậy số các cụ bị ốm, cảm lạnh, viêm phổi... trong những tháng xuân có khi tăng cao hơn cả những ngày đông giá rét. Ngoài ra cần phát hiện sớm và chữa sớm khi các cụ mới có những biểu hiện nhẹ như sốt nhẹ, gai rét, mệt, ho thúng thắng... không nên để chậm, bệnh đã nặng rất khó chữa.
|