Theo quan niệm truyền thống, loài người cần dựa vào khoa học kỹ thuật để tiêu diệt mầm bệnh. Song một số chuyên gia lại cho rằng, để tránh gây ra những hiểm họa lớn hơn, con người nên chung sống hòa bình mầm bệnh, vì ta sẽ không bao giờ tiêu diệt nổi chúng.
Loài người gọi các vi khuẩn, khuẩn mốc, virus, sâu bệnh… có thể làm phát sinh bệnh tật ở con người hoặc động vật là mầm bệnh. Biện pháp thường được sử dụng để đối phó với chúng là dùng thuốc hoặc phẫu thuật và tiêm văcxin. Do đó, chúng ta thường nói “chinh phục”, “chiến thắng” hoặc “tiêu diệt” bệnh tật, đau ốm, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tuyên bố đã “tiêu diệt” bệnh đậu mùa trên phạm vi toàn cầu.
Trên thực tế, loài người chưa hề “tiêu diệt” được bất cứ một loại bệnh tật nào! Ví dụ như với bệnh đậu mùa, ta đã tìm được cách để miễn dịch. Nhưng miễn dịch không phải là dùng dược chất (như kháng sinh) để giết chết mầm bệnh, mà là lấy một lượng rất nhỏ mầm bệnh hoặc một bộ phận mầm bệnh (ví dụ như protein vỏ ngoài của vi khuẩn hoặc virus) rồi làm mất hoạt tính, chế thành văcxin, sau đó tiêm vào cơ thể người. Điều này không gây hại cho cơ thể mà lại kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể để đối kháng hiệu quả với mầm bệnh.
Năm 1796, E. Jenner, bác sĩ người Anh, đã phát minh một phương pháp đơn giản, an toàn, hiệu quả để phòng bệnh đậu mùa, đó là tiếp chủng đậu bò, lấy từ thân con bò. Vì sao việc tiếp chủng đậu bò lại có thể phòng chống được mầm bệnh đậu mùa cho loài người? Đó là do virus các loại bệnh đậu có tính miễn dịch chéo, tính chất kháng nguyên cơ bản giống nhau... Chỉ cần dùng một loại kháng nguyên virus đậu chế thành văcxin chủng cho người là có thể dự phòng được bệnh tật do các loại bệnh đậu khác.
Công và tội của chất kháng sinh
Mấy thập kỷ gần đây, trong quá trình điều trị bệnh tật, loài người đã sử dụng rất nhiều, thậm chí lạm dụng kháng sinh để mong tiêu diệt triệt để mầm bệnh. Nhưng những phản ứng phụ của kháng sinh ngày càng thể hiện rõ, thậm chí có thể làm mầm bệnh đột biến gene, sản sinh mầm bệnh siêu cấp, khiến loài người phải đối diện với sự uy hiếp lớn hơn.
Trong ngành chăn nuôi, người ta thường cho thêm kháng sinh vào thức ăn để nâng cao khả năng đề kháng mầm bệnh cho động vật. Khi ăn thịt động vật, con người cũng hấp thu vào cơ thể một phần kháng sinh, hậu quả là làm tăng tính chịu đựng của mầm bệnh đối với thuốc, dần dần làm kháng sinh mất khả năng đối phó với mầm bệnh.
Sự tiến hóa tự nhiên của vi khuẩn siêu cấp cần đến mấy ngàn vạn năm. Nhưng ngày nay, do việc lạm dụng kháng sinh nên tốc độ tiến hóa của chúng nhanh hơn rất nhiều, thậm chí đã xuất hiện vi khuẩn siêu cấp lấy chất kháng sinh làm “thực phẩm” (xảy ra cách đây mấy năm tại một bệnh viện ở Anh)! Thực tế trên đặt ra vấn đề là trong quá trình tiến hóa sau này, con người sẽ chiến thắng mầm bệnh hay mầm bệnh chiến thắng con người?
"Cuộc đua tiếp sức “ của miễn dịch và điều trị
Hiện nay, loài người đang dùng phương pháp miễn dịch và điều trị để tiến hành “cuộc đua tiếp sức” đối phó với bệnh tật. Trước tiên là tiêm văcxin dự phòng, nếu vẫn có bệnh thì sẽ sử dụng phương pháp điều trị. Nhưng đến nay, vẫn còn không ít người xem nhẹ tác dụng tiêm phòng tạo miễn dịch trong cuộc “chiến đấu” đề phòng bệnh tật, mà chỉ xem trọng, thiên về công hiệu của điều trị.
Kỳ thực, cũng như việc tiêm kháng sinh, điều trị không thể ngăn chặn bệnh tật, làm bệnh tật không tái phát, mà chỉ là biện pháp nhất thời “nước đến chân mới nhảy”. Còn dự phòng là có tính toán, chuẩn bị từ trước. Nếu chỉ nói về mặt lợi ích kinh tế thì công hiệu của dự phòng ít ra cũng lớn gấp 5 lần so với điều trị. Lấy việc đối phó với một trận dịch nhỏ ở Trung Quốc làm ví dụ. Với một lần dự phòng miễn dịch, mỗi người chỉ cần tốn 50-80 đồng, nhưng nếu phải điều trị vì mắc bệnh thì bình quân chi phí cho mỗi người phải trên 300 đồng!
Lại lấy bệnh đậu mùa làm ví dụ: việc tiêm văcxin có thể cứu sống sinh mạng, bảo toàn sức khỏe cho con người; còn nếu không tiêm, dù người bệnh có thể sống sót thì cũng bị “trọng thương” về tâm lý do những vết rỗ trên mặt. Gần đây, các nhà nghiên cứu Mỹ đã kiểm tra hơn 300 người từng chủng ngừa văcxin đậu mùa hơn 30 nước. Kết quả thật là tác dụng miễn dịch vẫn còn. Trong số những người chủng ngừa từ 50 năm, khoảng một nửa vẫn còn kháng thể đậu mùa và khoảng 90% còn tế bào T có đặc tính miễn dịch đối kháng bệnh đậu mùa.
Việc điều trị có thể tiêu diệt mầm bệnh trong cơ thể bệnh nhân, nhưng không thể tiêu diệt mầm bệnh trong cơ thể mọi người trên trái đất. Còn dự phòng lại làm mầm bệnh và loài người có thể chung sống hòa bình, khiến chúng trong một thời kỳ dài, thậm chí vĩnh viễn không thể xâm hại cơ thể con người.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ WHO yêu cầu phát lệnh báo động đối với virus Marburg (08/04/2005)
▪ Đã có kinh phí khám chữa bệnh trẻ dưới 6 tuổi (08/04/2005)
▪ 10 bài thuốc Nam đơn giản, hiệu quả cao (09/04/2005)
▪ Lao kê là gì? (08/04/2005)
▪ Ký sinh trùng sốt rét trốn hệ miễn dịch thế nào? (09/04/2005)
▪ Thuốc Nam chữa áp xe, mụn nhọt (08/04/2005)
▪ Viêm da atopy - một loại bệnh dị ứng (08/04/2005)
▪ Tổn thương gan phổi do... ăn rau sống (08/04/2005)
▪ Chăm sóc sức khoẻ người dân ở Bắc Cạn (08/04/2005)
▪ Ăn trứng gà giả có thể suy giảm trí nhớ (08/04/2005)