Rau sống không được rửa sạch sẽ đưa vào cơ thể người nhiều loại ký sinh trùng gớm ghiếc, trong đó có khuẩn đơn bào. Chúng không chỉ gây bệnh ở đường ruột mà còn lên gan, lên phổi và nhiều cơ quan khác để hoành hành.
Đơn bào có 3 nhóm sống ở ruột già: có chân giả, có roi và có lông. Trong nhóm đơn bào có chân giả (a-míp), chỉ có ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây bệnh cho người, Khi nói “bệnh do nhiễm a-míp”là nói đến bệnh do ký sinh trùng này gây ra. Chúng gây bệnh ở đường ruột và một số cơ quan khác.
Khi ăn rau còn dính bào nang a-míp, các bào nang này sẽ theo đường tiêu hóa vào đến ruột, a-míp non sẽ chui ra khỏi vách bào nang, tăng sinh rất nhiều. Khi đó, người ăn đã nhiễm bệnh. Nếu không có triệu chứng gì thì gọi là người lành mang mầm bệnh (khi họ đại tiện, thể hoạt động của a-míp và bào nang sẽ theo phân ra ngoài). Nếu gặp một số điều kiện như sức đề kháng cơ thể giảm, cơ thể có nhiễm thêm vi trùng khác, thể hoạt động sẽ to lên, xâm lấn đường ruột, gây bệnh kiết lỵ. Chúng "ăn" hồng cầu và chất lỏng trong mô, tạo thành vết loét trong thành ruột già; mạch máu bị vỡ ra nên phân có máu và chất nhầy. A-míp khi vào cơ thể sẽ gây bệnh ở nhiều cơ quan:
Bệnh đường ruột
Ở thể cấp tính, bệnh nhân đau bụng lâm râm hay từng cơn, có cảm giác muốn đi tiêu liên tục, lúc đầu tiêu chảy, sau đó đi ra nhầy và máu, nhiều lần trong ngày. Ở thể bán cấp, bệnh nhân đau bụng lâm râm và đi tiêu phân lỏng, có chút ít nhầy. Đôi khi bệnh nhân bị táo bón. Trường hợp có nhiễm thêm ký sinh trùng hoặc vi trùng khác, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.
Người bị suy giảm miễn dịch, kém dinh dưỡng dễ mắc bệnh ở thể ác tính: bệnh trạng nặng, máu và nhầy tự nhiên chảy ra. Bệnh nhân thường tử vong do sốc, do chảy máu ở ruột và di căn a-míp vào gan. Có những người mắc bệnh mạn tính, bị rối loạn tiêu hóa. Đó là do sau khi bị áp-xe, vách ruột có sẹo và chai đi, hệ thần kinh ở đó bị phá hủy nên chức năng ruột không còn bình thường.
Một số bệnh nhân có u a-míp trong ruột, thường xuất hiện sau cơn lỵ cấp từ vài tháng đến 20 năm. Việc chẩn đoán hơi khó, dễ bị nhầm với các khối u thật sự của ruột già. Nếu điều trị thử bằng thuốc diệt a-míp mà khối u xẹp đi thì đó đúng là u do a-míp.
Bệnh ở gan
Từ các sang thương ở ruột già, a-míp theo mạch máu vào gan. Mỗi a-míp tăng sinh sẽ tạo thành một vết loét và nhiều vết loét tạo thành áp-xe, trong có mủ màu chocolate.
Các triệu chứng điển hình là đau bụng vùng gan, gan to không kèm lách to, không rỉ dịch, không vàng da, sốt cao, suy nhược thể tạng. Một số trường hợp không có triệu chứng điển hình, khi đó các triệu chứng kể trên thiếu hoặc nhẹ đi.
Bệnh ở phổi và các vị trí khác
Vì phổi ở sát gan nên do tiếp xúc, a-míp có thể từ gan đi đến phổi. Khi đó, bệnh nhân có những biểu hiện như: ho, sốt, khạc ra mủ màu chocolate.
Ngoài ra, bệnh có thể gây áp-xe não - một biến chứng hay gặp ở người bị áp-xe gan do a-míp, chỉ được chẩn đoán sau phẫu thuật. Một số bệnh nhân trong thời gian bị lỵ cấp tính bị loét da do a-míp, thường thấy ở quanh hậu môn hoặc chỗ vết mổ.
Để chẩn đoán xác định bệnh lỵ do Entamoeba histolytica, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm phân để tìm thể hoạt động (nếu nghĩ mắc bệnh ở đường ruột) hoặc cho làm siêu âm, huyết thanh chẩn đoán (nếu nghĩ mắc bệnh ở các cơ quan khác). Nếu đúng là bệnh do loại đơn bào này gây ra, bác sĩ thường dùng thuốc Secnidazole (Flagentyl) để điều trị và nhắc nhở bệnh nhân phòng ngừa bệnh bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh phân, nước, rác...
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc Nam chữa áp xe, mụn nhọt (08/04/2005)
▪ Viêm da atopy - một loại bệnh dị ứng (08/04/2005)
▪ Chăm sóc sức khoẻ người dân ở Bắc Cạn (08/04/2005)
▪ Ăn trứng gà giả có thể suy giảm trí nhớ (08/04/2005)
▪ Vitamin E có thể gây ung thư (07/04/2005)
▪ Đàn ông uống sữa dễ bị bệnh Parkinson (07/04/2005)
▪ Lao ngoài phổi ở trẻ dễ tử vong nếu phát hiện muộn (07/04/2005)
▪ Mỗi ngày có 5 phụ nữ VN chết vì thai sản (07/04/2005)
▪ Chơi thể thao không đúng cách sẽ có hại cho sức khoẻ (07/04/2005)
▪ Sử dụng vaccine phòng bệnh Rubella đạt hiệu quả cao (07/04/2005)