Cúng tôi đến xã Cường Lợi, huyện miền núi Na Rì. Trạm y tế ở đây được xây dựng hai tầng, mặt bằng rộng, có máy, thiết bị siêu âm, khám răng, điện tim (do Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng trợ giúp). Hôm đó dân ở thôn, bản kéo về đông chật, để đoàn cán bộ, bác sĩ của Viện Da liễu T.Ư về chữa bệnh cho bà con trong xã.
Y sĩ Nông Minh Tân, Trưởng trạm y tế xã Cường Lợi, cho biết: Những đợt có bác sĩ các bệnh viện trung ương hay quân y về phối hợp, bà con đồng bào các dân tộc đến khám bệnh khá đông. Như hôm nay, mới gần ba giờ đã có hơn một trăm người được khám bệnh và cấp thuốc, chủ yếu là các bệnh ngoài da. Riêng bệnh phong chưa phát hiện được ca nào. Còn ngày thường, tại trạm có khoảng 10 - 15 người đến khám bệnh. Bác sĩ Hoàng Văn Vịnh, Giám đốc Trung tâm trao đổi với chúng tôi: Ðược chỉ tiêu 60 giường điều trị, với 20 bác sĩ (năm bác sĩ làm việc ở phòng khám đa khoa khu vực và các xã). Trang thiết bị tuyến huyện có máy Xquang, siêu âm, điện tim, giúp thở nhưng đã cũ vì vậy thỉnh thoảng có "trục trặc". Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc chưa đồng đều, song có bốn bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cho nên tại Trung tâm y tế huyện có thể xử lý các ca mổ dạ dày, mổ đẻ, sơ cứu người bệnh cao huyết áp, ngộ độc thực phẩm. Ở các xã đều có trạm y tế, xây theo mô hình của dự án dân số và KHHGÐ cách đây mấy năm, được bố trí bốn, năm cán bộ, nhân viên/trạm. Tuy nhiên, cơ cấu cán bộ còn thiếu, nhất là dược tá và người làm y học cổ truyền.
Bắc Cạn có 122 xã, phường thì hơn 100 số xã thuộc diện vùng cao đặc biệt khó khăn, hơn 90% số dân sống dựa vào nông - lâm nghiệp mà trình độ canh tác thấp. Do vậy, đời sống mọi mặt của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn (thu thập bình quân đầu người 2,5 triệu đồng/năm, suy dinh dưỡng ở trẻ em ở dưới năm tuổi hơn 32%). Kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí hạn chế, một số vấn đề xã hội bức xúc như di cư tự do, đào đãi vàng trái phép gây ảnh hưởng môi trường sống... đã chi phối không nhỏ đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Mấy năm qua, các chương trình 135, quân dân y kết hợp, sự trợ giúp của các bệnh viện tuyến T.Ư và sự đầu tư của địa phương... góp phần tháo gỡ khó khăn trong công tác y tế cho Bắc Cạn. Bác sĩ Lương Thị Ba, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Khắc phục năng lực hạn chế trong điều trị, chúng tôi coi trọng công tác y tế dự phòng. Duy trì thường xuyên công tác giám sát và phát hiện dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch. Vì vậy, từ năm 2001 đến nay, rải rác xuất hiện các bệnh bạch hầu, sốt virus, xuất huyết, tiêu chảy, đều được phát hiện sớm và khống chế kịp thời. Ngay bệnh sốt rét, đầu những năm 90 của thế kỷ trước là nỗi kinh hoàng của người dân Bắc Cạn , nhưng từ năm 2000 đến nay, số người mắc, chết do sốt rét giảm nhiều. Năm 2004 thực hiện hơn 20 nghìn lam máu xét nghiệm chỉ phát hiện hơn mười ký sinh trùng sốt rét ở các huyện Ba Bể, Chợ Ðồn, Ngân Sơn, Pắc Nậm. Trẻ em trong độ tuổi được tiêm đủ sáu loại vaccine phòng bệnh đạt hơn 90%; tiêm phòng viêm não Nhật Bản và viêm gan B cho trẻ em đạt 69-87%.
Ðược sự trợ giúp của Viện Da liễu T.Ư, năm năm qua, Bắc Cạn khám và phát hiện một năm có một, hai trường hợp phong mới, thực hiện đa hóa trị liệu cho số người mắc nhiều vi khuẩn, đồng thời quan tâm công tác phòng, chống tàn tật cho người bệnh phong. Nhờ vậy đến nay, Bắc Cạn đã giảm tỷ lệ phát hiện xuống dưới 1/100 nghìn dân, tỷ lệ lưu hành bệnh phong còn 0,1/10 nghìn dân. Ðây là những tiêu chí cơ bản giúp Bắc Cạn hoàn thành công tác loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam vào cuối năm nay.
Mỗi năm, Bắc Cạn thu ngân sách trên địa bàn hơn 50 tỷ đồng, riêng viện phí cả tỉnh chỉ thu được gần một tỷ đồng. Toàn tỉnh mới có hơn 40 xã có bác sĩ, số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đếm trên đầu ngón tay, người làm công tác dược còn thiếu trầm trọng. Ðể thoát khỏi một tỉnh nghèo sau năm 2010, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, trong đó có sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bắc Cạn cần phấn đấu quyết liệt hơn.
Trong các hướng ưu tiên đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Đức Toại cho biết: Năm nay và vài năm tới, tỉnh dành nguồn vốn đáng kể cho việc củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tập trung nâng cấp, xây dựng các trung tâm y tế huyện Ngân Sơn, Pắc Nậm, Ba Bể, Chợ Ðồn, Bạch Thông.... Mặt khác, cải tạo và xây mới hàng chục trạm y tế đang xuống cấp hoặc chưa đúng chuẩn. Ðồng thời có kế hoạch từ nay đến năm 2008, đào tạo, bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ y tế, trong đó chủ yếu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe tuyến huyện và cơ sở (khoảng 80% số xã có bác sĩ công tác). Ngành y tế phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo (hơn 70% số dân) theo Quyết định số 139 của Thủ tướng Chính phủ; tìm biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm không đáng xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc đầu tư cho y tế tuyến trên, Bắc Cạn cần nỗ lực hơn trong xây dựng các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, khai thác có hiệu quả trang thiết bị, máy được trang bị để từng bước đáp ứng nhu cầu về dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
|