![]() |
Công nhân treo vịt lên giá xử lý ở một nhà máy chế biến gia cầm ở TP HCM. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại rằng mọi nỗ lực giám sát diễn biến dịch cúm gia cầm sẽ thất bại vì một số quốc gia có dịch không sẵn sàng chia sẻ mẫu bệnh phẩm và dữ liệu.
Trên tạp chí khoa học Nature của Anh, các chuyên gia của WHO phàn nàn rằng, giới khoa học và quan chức địa phương đang có ý "dành dụm" mẫu bệnh và thông tin. Việc "từ chối chia sẻ" này đồng nghĩa với việc WHO sẽ không thể biết chính xác virus gây bệnh có đang biến đổi thành dạng nguy hiểm hay không.
Đã gần 8 tháng kể từ lần cuối cùng WHO được nhìn thấy thông tin về virus được phân lập từ gia cầm bệnh ở châu Á, và tổ chức này chỉ có trong tay 6 mẫu virus của hơn những bệnh nhân nhiễm H5N1 từ hồi đầu năm.
"Tình trạng này giống như khi bạn nghe thấy tiếng ồn lạ trong động cơ ô tô nhưng cứ tiếp tục đi liều, mà không biết liệu nó có nghiêm trọng hay không", Klaus Stoehr, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm của WHO, nhận định.
Mẫu bệnh phẩm được coi là một trong những vũ khí tối quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm. Việc phân tích ADN của chúng có thể giúp tìm ra khe hở trong vỏ bọc của vi trùng và hé lộ nguy cơ biến đổi gene của tác nhân gây bệnh.
Trong trường hợp cúm gia cầm, nguồn bệnh tự nhiên là vịt, ngỗng và gà. Chủng virus H5N1 có thể gây chết người, song cho đến nay chưa đến mức độ lây nhiễm mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên môn ngày càng lo ngại rằng H5N1 có thể trao đổi gene với một phiên bản virus cúm ở người và trở nên hung hãn, có khả năng truyền nhiễm cao. Nguy hiểm ở chỗ chưa ai được miễn dịch với dạng virus mới nên khả năng bùng phát nạn dịch là rất lớn.
Chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã làm thiệt mạng 36 người Việt Nam kể từ cuối năm 2003 đến nay. 12 ca tử vong khác được ghi nhận ở Thái Lan và 4 ở Campuchia. WHO liên tục cảnh báo về nguy cơ đột biến, và nỗi ám ảnh giống như chủng cúm xuất hiện đột ngột vào năm 1918, làm hàng trục triệu người thiệt mạng.
Việc từ chối chia sẻ mẫu bệnh phẩm và dữ liệu là vấn đề phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu y học. Đôi khi, các nhà khoa học muốn độc quyền nghiên cứu trước, với mục tiêu giành được sự công nhận của cộng đồng. Ngoài ra, chính quyền ở những nước đang phải đối mặt với một vấn đề y tế đáng báo động thường ngại công bố thông tin không kiểm soát. Hậu quả là, các nhà khoa học ở đó bị đặt dưới áp lực không gửi kết quả thí nghiệm hoặc mẫu bệnh phẩm cho đồng nghiệp ở các quốc gia khác.
Mỹ Linh (theo AFP)
▪ Nhiễm khuẩn sau sinh dễ làm chết sản phụ (12/05/2005)
▪ Trẻ khò khè không chỉ do thời tiết (12/05/2005)
▪ Cho con bú khi mẹ đi làm (12/05/2005)
▪ 5 vi chất cần cho trẻ hằng ngày (12/05/2005)
▪ Ecstasy có thể ngăn chặn ung thư (11/05/2005)
▪ Đề phòng bệnh bụi phổi (12/05/2005)
▪ Đừng nhầm lẫn vitamin B3 và 3B (11/05/2005)
▪ Thuốc ho có thể gây ngộ độc (11/05/2005)
▪ 20 món ăn làm giảm huyết áp (11/05/2005)
▪ Làm sao phát hiện viêm tai giữa ở trẻ? (11/05/2005)