Nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng, một số bác sĩ khám nội khoa không hề hỏi họ lời nào, đừng nói đến việc dặn dò tỉ mỉ, đầy đủ. Nguyên nhân có thể là thời gian mà bác sĩ dành cho mỗi người bệnh quá ít vì có rất nhiều người khác đang chờ đến lượt mình.
Dặn dò chung chung, theo lối mòn là sai lầm thường gặp nhất khi bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân. Họ có một lời khuyên như nhau cho những người mắc cùng loại bệnh; mặc dù trên thực tế, những người này sẽ có sự khác biệt về thể bệnh, giai đoạn bệnh, thể trạng, mức độ tổn thương, lối sống, tập quán sinh hoạt và hoàn cảnh kinh tế, nghề nghiệp, gia đình... Nếu không nắm bắt đúng những thực tế ấy thì lời dặn dò có khi bị “vấp”, “trật lất”, thậm chí “vô duyên”.
Chẳng hạn, cùng mục đích phòng bệnh thứ phát cho người xơ vữa động mạch; nhưng với người có bệnh ở mạch vành, bác sĩ cần dặn cai thuốc lá và phòng chống rối loạn lipid máu để tránh nhồi máu cơ tim. Còn với người bị bệnh ở động mạch chi dưới, cần khuyên cai thuốc và phòng chống tiểu đường để giảm nguy cơ hoại tử. Còn người bị xơ vữa động mạch não thì phải được lưu ý chống tăng huyết áp bằng cách uống thuốc đều đặn, bền bỉ, tập thể dục và ăn nhạt.
Có những bác sĩ lại khuyên dặn quá tràn lan, không tập trung vào trọng điểm. Theo các chuyên gia y tế, bác sĩ cần rút ra yếu tố mũi nhọn trong các khuyến cáo với bệnh nhân. Chẳng hạn, với các bệnh nhân béo phì, phải bắt đầu bằng biện pháp vận động, thể dục.
Không ít bác sĩ khuyên dặn bệnh nhân bằng những lời giáo điều, sáo mòn hoặc những mệnh lệnh áp đặt, không dựa vào những tiến bộ mới của y học để lý giải, thậm chí không chính xác. Ví dụ, có người dặn bệnh nhân tăng huyết áp không được ăn thịt, không được ăn dầu mỡ, không được uống rượu, cà phê, phải cữ mặn. Điều này không đúng vì đạm và chất béo đều rất cần cho sự sống, chỉ cần dùng ở mức vừa đủ và là không sợ nguy hiểm. Việc cấm rượu hoàn toàn là không cần thiết, thậm chí rượu vang còn chống được xơ vữa động mạch nếu không dùng quá 300 ml/ngày; còn cà phê chưa được chứng minh là có hại đối với chứng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp mà chỉ bị cấm với bệnh loạn nhịp tim. Việc dặn bệnh nhân kiêng mặn có thể gây hiểu lầm là phải ăn chay, hoặc hoàn toàn không dùng muối. Sự kiêng cữ này là không cần thiết và không thể thực hiện được.
Nếu lời dặn dò thiếu khoa học, bắt kiêng cữ tràn lan không đúng với đặc điểm bệnh mỗi người, hoặc cấm những điều không ai theo được, lời khuyên sẽ mất tác dụng, thậm chí gây tâm lý nghi ngờ ở bệnh nhân. Hậu quả là những lời khuyên đúng, những kiêng cữ cần thiết sẽ không được họ tuân thủ.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Đau nhức sau khi ngủ: Chớ xem thường! (20/12/2004)
▪ Hoóc môn tăng trưởng - vị thuốc cải lão hoàn đồng (20/12/2004)
▪ Virus cúm gà đã lây sang người ở Nhật Bản? (20/12/2004)
▪ Thuốc 'lãng quên' - sản phẩm gây nhiều tranh cãi (20/12/2004)
▪ Nhiều bác sĩ 'quên" việc khuyên dặn bệnh nhân (20/12/2004)
▪ Chích ngừa, điều trị viêm gan siêu vi B thế nào là đúng? (19/12/2004)
▪ Bệnh viện FV (TP.HCM): Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị chấn thương thể thao (20/12/2004)