Chiếc răng khôn nếu mọc lệch ở tư thế gần sẽ húc vào răng cạnh đó và không chui lên được, bị lợi trùm. Khi ăn uống, cặn vụn thức ăn sẽ giắt vào túi lợi, gây viêm có mủ.
Bộ răng vĩnh viễn của người lớn có 32 răng, bốn chiếc lớn ở bốn góc hàm trong cùng gọi là răng khôn, chỉ mọc khi đến tuổi trưởng thành (trên 17 tuổi). Hai răng khôn hàm dưới (răng số 8) khi mọc rất dễ gây tai biến, nhiều khi rất nặng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như viêm xương hàm, viêm phần mềm có mủ, phải chích để lại sẹo xấu...
Răng khôn hàm dưới rất hay mọc lệch. Nó có thể lệch về phía trước, húc vào răng số 7 (lệch gần) hoặc lệch ra má, vào phía lưỡi, lệch ra xa, chìm trong xương hàm, có lợi trùm hoặc bị cả xương và lợi che lấp (gọi là răng mọc chìm hay răng mọc ngầm).
Răng khôn hay mọc lệch vì chúng mọc sau cùng, khi đã bị chiếm hết chỗ, chỉ còn lại một khoảng quá nhỏ so với kích thước của răng. Một nguyên nhân nữa là răng khôn cùng chung lá mầm với răng số 7. Khi mọc, răng số 7 kéo mầm răng số 8 hướng về gần, dễ gây tư thế lệch gần.
Khi răng khôn mọc ở tư thế gần, nó sẽ húc vào răng số 7 và gây các tai biến sau: Không mọc lên được, lợi trùm lên răng (răng khôn có túi lợi trùm). Khi ăn uống, cặn vụn thức ăn giắt vào túi lợi, gây viêm túi lợi có mủ. Người bệnh bị đau ở vùng răng khôn trong cùng, vướng, khó nhai, có khi sốt. Nếu viêm lan rộng, bệnh nhân có thể sưng to một bên mặt, rất đau, không há được miệng, không ăn uống được. Nếu còn há được miệng, người bệnh tự soi gương sẽ thấy vùng răng trong cùng sưng to, cả vùng lợi ở góc hàm căng đỏ, trên mặt răng có ít mủ vàng, nếu lấy tay hoặc dụng cụ (thìa, đũa) ấn lên chỗ lợi trùm răng khôn sẽ thấy có mủ ứ thêm ra.
Để giải quyết những trường hợp này, thầy thuốc răng hàm mặt phải chích mủ, điều trị bằng kháng sinh và lấy bỏ răng khôn mọc lệch. Nếu không được xử lý kịp thời, viêm túi mủ răng khôn có thể chuyển thành viêm phần mềm xung quanh, áp xe hoặc viêm tổ chức liên kết lan tỏa. Viêm có thể lan vào xương hàm, gây cốt tủy viêm xương hàm - một bệnh nặng trong chuyên khoa răng hàm mặt. Lúc này, tuy bệnh nhân không còn bị sưng to một bên mặt như trước nhưng có lỗ rò chảy mủ ở góc hàm, hằng ngày mủ chảy ra rất hôi thối. Muốn chữa khỏi, người ta phải mổ lấy bỏ xương chết, nhổ bỏ răng khôn, cắt bỏ đường rò.
Đối với những trường hợp nhẹ hơn, vùng răng khôn mọc lệch đau âm ỉ mấy ngày rồi hết. Nếu răng khôn mọc lệch húc vào răng số 7 gây sâu răng, kẽ răng ở đây bị viêm lâu ngày sẽ gây tiêu xương. Cuối cùng răng số 7 cũng bị viêm tủy, viêm quanh cuống răng và lung lay, phải nhổ bỏ, làm giảm hẳn sức nhai vì số 7 và số 6 là hai răng chủ lực nhai của hàm.
Để tránh tình trạng trên, khi đến tuổi trưởng thành và mọc răng khôn, cần chú ý khám kịp thời, xác định vị trí mọc răng. Nếu thấy bất thường thì phải có biện pháp điều trị sớm, từ dự phòng (như nong cung hàm cho rộng chỗ để răng không mọc lệch) đến điều trị tai biến ngay từ đầu tránh những hậu quả nặng nề.
BS Hương Liên, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Tìm ra gen làm suy giảm thị lực (15/03/2005)
▪ Coi chừng xirô ho có dextromethorphan (16/03/2005)
▪ Kim chi trị được bệnh cúm gia cầm? (15/03/2005)
▪ Bảo vệ vitamin B1 trong thức ăn (16/03/2005)
▪ Cách dùng thuốc khi có thai và cho con bú (16/03/2005)
▪ Gia tăng số tử vong do ngộ độc thực phẩm (16/03/2005)
▪ Một bệnh nhân tử vong do nghi nhiễm H5N1 (15/03/2005)
▪ Tràn dịch màng phổi do dưỡng chấp (15/03/2005)
▪ Số nạn nhân của bếp ăn tập thể tăng vùn vụt (15/03/2005)
▪ 10 bài thuốc từ cỏ nhọ nồi (16/03/2005)