Tràn dịch màng phổi do dưỡng chấp
Các Website khác - 15/03/2005

Nguyên nhân gây bệnh thường là chấn thương ngực, phẫu thuật vùng trung thất, khối u đè vào ống dưỡng chấp, giun chỉ hoặc dị tật bẩm sinh.

Màng phổi gồm có hai lá: lá thành và lá tạng. Bình thường, giữa hai lá có một lớp dịch mỏng giúp cho phổi hoạt động, giãn nở dễ dàng. Trường hợp ống dưỡng chấp bị tổn thương, dịch rỉ vào khoang màng phổi, gây ra tràn dịch dưỡng chấp ở màng phổi.

Bệnh thường xuất hiện từ từ, bệnh nhân không sốt, không ho nên khó phát hiện sớm. Khi dịch nhiều, bệnh nhân thấy khó thở tăng dần, tức ngực. Tình cờ đi khám, bác sĩ nghe phổi thấy nghi ngờ mới cho chụp X-quang và phát hiện tràn dịch màng phổi. Người bệnh có thể làm các xét nghiệm khác như chụp bạch mạch để xác định vị trí bị tổn thương của ống ngực, chọc hút dịch màng phổi.

Bệnh tiến triển không bao giờ tự khỏi. Nếu hút ra, dịch lại tái phát và bệnh nhân bị mất dưỡng chấp, dẫn đến suy dinh dưỡng. Dưỡng chấp màng phổi đôi khi còn kết hợp với dấu hiệu phù chân voi hoặc đái ra dưỡng chấp.

Nguyên nhân gây tràn dịch có thể là các chấn thương lồng ngực (như dao đâm, đạn bắn, ngã đập làm dập, vỡ ống ngực), phẫu thuật lồng ngực (lỡ đụng dao vào một nhánh của ống ngực, gây rò rỉ dưỡng chấp vào khoang màng phổi). Các khối u, hạch vùng ngực cũng có thể đè vào ống ngực, gây thoát dịch dưỡng chấp ra màng phổi. Một nguyên nhân khác là giun chỉ nằm trong ống bạch huyết, gây tắc hoặc vỡ ống ngực. Những bệnh nhân này thường có chân xù xì, phù to như chân voi, bìu cũng xù xì và sưng to, đái ra dưỡng chấp.

Về điều trị, cần chọc dẫn lưu dịch. Nếu dịch không tái phát thì khi còn ít, dùng bột Talc làm dính màng phổi. Trường hợp ống ngực bị chèn ép hoặc vỡ thì phải phẫu thuật mở lồng ngực để thắt hoặc nối ống ngực. Sau khi thắt ống ngực, dưỡng chấp sẽ đi theo các đường mạch phụ hoặc các vòng nối khác nên ống ngực không bị tắc, hiện tượng tràn dịch dưỡng chấp sẽ hết.

TS Đào Kỳ Hưng, Sức Khỏe & Đời Sống