Phần lớn người bệnh có rối loạn lipit máu thường không có các biểu hiện đặc trưng hoặc nếu có cũng chỉ là những biểu hiện thoảng qua như chóng mặt, đau ngực, đôi lúc tê tay hay tê chân... Đấy cũng lại là những triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác, vì vậy khó có thể xác định được người có rối loạn lipit máu hay không bằng những biểu hiện bên ngoài. Chỉ có thể xác định đúng bằng cách làm xét nghiệm máu. Nếu kết quả lượng cholesterol toàn phần trên 5,2 milimol/lít, glycerit trên 2,2 milimol/1ít, HBL dưới 2,9 milimol/lít cùng với các chỉ số khác vượt mức cho phép... khi đó mới có thể kết luận người đó đã bị rối loạn lipit máu.
Rối loạn lipit máu do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân di truyền và có tính gia đình là đáng chú ý hơn cả. Ngoài ra bệnh còn là hậu quả của một số bệnh lý mắc phải như suy tuyến giáp, tiểu đường, hội chứng thận hư; tăng u-rê máu, tắc nghẽn... Thói quen sinh hoạt hàng ngày, ăn uống bất hợp lý, không vệ sinh, ăn quá nhiều thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật, phủ tạng động vật, nghiện rượu, hút thuốc lá cũng dẫn đến rối loạn lipit máu.
Thông thường ở người bị rối loạn lipit máu hay có những u mỡ ngoài da. Một người được phát hiện có rối loạn lipit máu thì thông thường sẽ được điều chỉnh bằng chế độ ăn. Trước hết không dùng các loại đồ uống gây tan lipit máu như rượu, nước có ga. Không nên ăn mỡ động vật, bơ, pho mát. Hạn chế ăn nhiều tinh bột và đồ ngọt. Nên bổ sung năng lượng bằng dầu thực vật, cá, dầu hướng dương. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá một tuần, vì nó có nhiều axít béo không no, có lợi cho thành mạch, tăng cường thể dục, giảm trọng lượng cơ thể Nếu điều chỉnh chế độ ăn.mà lượng cholesterol vẫn tăng thì khi đó bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc. Hiện nay có nhiều thuốc để điều chỉnh rối loạn lipit máu, tùy theo thể loại bị rối loạn thành phần nào của lipit có kèm theo yếu tố nguy cơ hay không và việc dùng thuốc có thường lâu dài, có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Với những người mắc các bệnh nội khoa như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, trước hết phải điều trị các bệnh nội khoa này như đưa mức tiểu đường về mức bình thường, đưa huyết áp về mức cho phép. Điều chỉnh rối loạn lipit máu bằng hai phương pháp như dùng thuốc hạ cholesterol máu, dùng chế độ ăn kết hợp luyện tập thể thao. Những người chưa có tăng cholesterol máu hoặc không mắc các bệnh nội khoa thì phải thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để xem đường máu có tăng hay không, cholesterol tăng hay không, chức năng gan, thận thế nào để kịp thời phát hiện bệnh.
Sau đây xin giới thiệu một số món ăn chữa tăng lipit máu.
Nấm rơm - đậu phụ:
Nguyên liệu gồm đậu phụ 200 g, bột mì 15g nấm rơm 100g, lá cải dầu 50g, măng tre chín 60g, gừng đập nhỏ, bột lọc nước, muối, mì chính, canh ngọt dầu vừng, dầu ăn vừa đủ. Đậu phụ, măng tre cắt hình hạt lựu, lá cải dầu thái vụn, nấm rơm bỏ chân. Bắc nồi lên bếp, đổ dầu ăn. Khi dầu nóng già, cho gừng phi thơm rồi đổ canh ngọt dầu vừng, đậu phụ, nấm rơm, bột mì, măng tre... đun sôi rồi cho nhỏ lửa. 10 phút sau cho lá cải dầu, đun tiếp. Sau khi đậu ngấm đều, cho bột lọc nước vừa đủ độ sánh rồi tưới dầu vừng lên trên và bắc ra ăn với cơm. Món ăn này có tác dụng bồi bổ dạ dày, làm hạ huyết áp, giảm lipit máu, chống ung thư. Nấm rơm đậu phụ rất tốt cho những người bị cao huyết áp, mạch vành cơ tim, xơ cứng động mạch, ung thư, tỳ vị suy yếu.
Giá đỗ tương hầm đậu phụ:
Nguyên liệu gồm giá đậu tương 250g, đậu phụ 200g, cải dưa 100g, muối, mì chính, hành hoa thái nhỏ, dầu ăn. Giá đậu tương rửa sạch, đậu phụ thái hình hạt lựu, dưa cải cắt khúc ngắn. Nồi đặt lên bếp, đổ dầu, để nóng già rồi phi hành thơm, cho tiếp giá vào xào chín mềm. Sau đó cho đậu phụ, dưa cải, nêm muối, mì chính vừa đủ và đun nhỏ lửa một lúc rồi bắc ra ăn với cơm. Món ăn có tác dụng kiện tỳ, ích khí, thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ cơ thể. Đặc biệt, món ăn này thích hợp với những người bị béo phì, cao huyết áp, mạch vành tim xơ cứng động mạch, lipit máu cao, cơ thể suy yếu...
|