Suy thận có phòng được không?
Các Website khác - 19/01/2005
Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp có nguy cơ bị suy thận mãn. Các bệnh viêm không chữa trị tốt, để bệnh tái đi tái lại cũng có thể dẫn đến suy thận.
Có hai loại suy thận: suy thận cấp suy thận mãn.

Suy thận cấp tính thường xảy ra do những nguyên nhân mắc phải cấp thời như bỏng, sốt rét ác tính, ngộ độc, sốc thuốc... Đặc biệt, có một nguyên nhân khiến rất nhiều nạn nhân phải nhập viện trong trạng thái nguy kịch là do họ uống mật cá trắm. Mật loại cá quen thuộc này vẫn được người dân ở một số tỉnh miền bắc coi như một bài thuốc dân gian giúp "tăng cường sinh lực". Nếu ăn thật thì chỉ sau một thời gian ngắn, các triệu chứng suy thận cấp xuất hiện. Nếu không được cứu chữa kịp thời, nạn nhân chắc chắn sẽ tử vong!

Suy thận cấp nguy hiểm nhưng điều trị khỏi, sức khỏe của bệnh nhân sẽ dần hồi phục trong khi với suy thận mãn, người bệnh sẽ phải chung sống với nó suốt đời . Nếu đã bị suy thận mãn độ 2 thì không bao giờ còn hy vọng bệnh nhẹ đi, trở lại độ 1 mà chỉ có thể duy trì không cho tiến triển xấu thêm. Khi đã suy thận giai đoạn cuối thì chỉ còn một trong hai con đường: lo đủ tiền để mỗi tuần 3 lần vào viện lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận (phải có người cho và cũng phải dùng thuốc suốt đời).

Điều đáng lưu tâm là những nguy cơ gây suy thận mãn đang tăng nhanh với nhiều căn bệnh tạo cơ hội giúp nó phát tác hiện khá phổ biến - những căn bệnh của thời đại công nghiệp. Theo giáo sư (GS), thầy thuốc nhân dân Nguyễn Nguyên Khôi người đã làm chủ nhiệm Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tất cả các bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp đều có nguy cơ bị suy thận mãn. Bên cạnh đó, các bệnh như sỏi thận, viêm thận kẽ, viêm cầu thận, tắc đường niệu hay bệnh về mạch thận cũng có thể dẫn đến suy thận. Tại các nước phát triển, nếu như nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận là do tiểu đường (chiếm đến 35%) thì tại các các nước đang phát triển, những bệnh do viêm (không được chữa trị tốt, để bệnh tái đi tái lại) là nguyên do chủ yếu khiến bệnh nhân bị suy thận mãn. Việt Nam không nằm ngoài quy luật trên. Người dân bị tắc đường niệu do sỏi mật gây suy thận là nguyên nhân nhiều thứ hai tại nước ta. Đáng buồn hơn, nhiều người bị suy thận chỉ vì những loại bệnh rất đơn giản, rất thường gặp, như viêm họng. Căn bệnh này nếu không loại bỏ triệt để cũng có thể dẫn đến suy thận. Vậy dễ mắc suy thận quá chăng? Theo GS Nguyễn Nguyên Khôi thì không phải vậy: dù nguy cơ khá lớn nhưng người dân hoàn toàn có thể ngăn ngừa được vì chỉ khi những bệnh nguyên phát bị "thờ ơ" tái đi tái lại nhiều lần mới có thể dẫn đến suy thận mãn.

Trong hai loại suy thận, suy thận mãn chính là bệnh đang được biết đến nhiều. Tuy vậy, lại rất ít người biết cách phòng chống căn bệnh chết người này.

Phòng suy thận như thế nào?

Hiện tổng số người bị suy thận giai đoạn cuối cần điều trị bằng lọc máu và ghép thận nước ta là 72. 000 người, nhưng chỉ có 2.000 bệnh nhân đang được điều trị (0,28%). Nếu muốn tất cả 72.000 người đều được chạy chữa, mỗi năm ngân sách phải chi ra 324 triệu đô la. Với giá chạy thận nhân tạo thấp nhất thế giới (30 đôla/lần), không tính tiền nhân dân phải tự huy động, mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi cỡ 3 triệu đô la.

Suy thận mãn là kết quả một quá trình diễn biến lâu dài của các loại bệnh nguyên phát như đã nói ở trên. Tại Việt Nam, có đến hơn 50% số người đến điều trị suy thận mãn chưa từng biết hay điều trị các loại bệnh liên quan đến suy thận trước đó. Cũng vì lý do này mà bệnh nhân ở phòng chạy thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai thường trẻ, chỉ từ 20-25, cộng trừ 10 tuổi (trong khi ở các nước có chế độ sàng lọc tốt, độ tuổi chủ yếu của bệnh nhân suy thận mãn là 60!). Nếu được tư vấn chăm sóc kịp thời, bệnh nhân suy thận mãn ở ta hoàn toàn có thể thoát khỏi căn bệnh khắc nghiệt kia hoặc ít nhất, họ cũng được điều trị bảo tồn để sống được đến 50-60 tuổi mới phải chạy thận nhân tạo.

Một đặc điểm tâm lý rất phổ biến tại Việt Nam "giúp" nhiều loại bệnh có cơ hội tiến triển thành nguy hiểm, trong đó có suy thận mãn, đó là thói quen tự mua thuốc uống và ngại đến bệnh viện. Số đông bệnh nhân từng đến điều trị ở Khoa Thận nhân tạo từng bị suy thận cấp. Thấy có vẻ không nghiêm trọng, chờ một thời gian thấy những triệu chứng của bệnh này tự qua, họ yên tâm "đã khỏi", ngừng chạy chữa và đương nhiên... không đến viện nữa. Nhưng thực ra căn bệnh vẫn tiến triển âm thầm và cuối cùng có thể dẫn đến suy thận mãn.

GS Nguyễn Nguyên Khôi cho biết, ông nghĩ ra mấy câu thơ dạng ca dao thật dễ nhớ để nhiều người thuộc, nhanh chóng nhận ra triệu chứng bệnh thận để chạy chữa kịp thời. Tất cả chỉ có 4 câu nhưng chứa đựng đầy đủ thông tin: Xanh xao, thiếu máu, phù nề / Nước tiểu có đạm, urê tăng dần / Hãy đo huyết áp bản thân / Bảo tồn suy thận yên tâm trong đời. Theo đó, để tránh không phải gắn cuộc sống vào máy chạy thận nhân tạo, tất cả những người từng có bệnh thận, cao huyết áp, cảm giác xanh xao, thiếu máu kéo dài; đặc biệt từng bị phù nề... cần thường xuyên đến bệnh viện khám. Chỉ cần làm một vài xét nghiệm, nếu thấy trong nước tiểu có đạm và lượng urê máu tăng cao (trên 8mmol/l kéo dài 3 tháng liên tục) nghĩa là người đó đã bắt đầu bị suy thận. Tuy vậy, nếu phát hiện sớm, suy thận mới ở độ 1, độ 2, y học hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn. Theo lời khẳng định của GS Khôi, nhiều bệnh nhân dạng này đã sống đến 60 tuổi mới phải lọc máu nhân tạo?

Cách phòng suy thận mãn tốt và cũng ít tốn kém nhất là chữa trị tốt ngay từ đầu các căn bệnh nguyên phát. Đáng chú ý ở Việt Nam là những bệnh viêm họng, viêm cầu thận và sỏi thận. Số người bị sỏi thận ở Việt Nam rất cao, nếu để tình trạng mổ đi mổ lại nhiều lần rất dễ khiến hai quả thận bị suy. Một bệnh đáng lo ngại không kém là cao huyết áp. Rất đáng lo bởi người bị bệnh này ở nước ta thường không có thói quen chữa bệnh kiên trì. Chỉ khi thấy huyết áp tăng cao, cơ thể rã rời, họ mới điều trị. Hết cơn lại thôi. Trong khi đó, cao huyết áp rất dễ gây xơ các mạch máu thận dẫn đến suy thận mãn tính.

Những quan niệm sai lầm

Theo GS Nguyễn Nguyên Khôi, quan niệm những người bị đau lưng, đi tiểu nhiều hay yếu sinh lý là đã bị bệnh thận là không hoàn toàn chính xác. Đau lưng và đi tiểu nhiều có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, phải tìm đúng mới chữa trị được. Đúng là một số người bị suy thận giai đoạn đầu thường đi tiểu nhiều vào ban đêm nhưng không phải tất cả những người có triệu chứng này là bị suy thận? Tương tự, nhiều bệnh nhân bị sỏi thận đau quá đã dẫn tới liệt dương. Song, nhiều người bị liệt dương mấy chục năm nhưng quả thận vẫn bình thường và họ có thể khỏi bệnh chỉ bằng liệu pháp tâm lý!

Điều quan trọng khi bị những triệu chứng trên là không nên đi khám ở những cơ sở Đông y kém uy tín. Vì trong trường hợp đã bị suy thận, uống thuốc nam thường rất nguy hiểm bởi lượng kali trong nhiều loại thuốc này rất cao (một trong những biểu hiện yêu cầu phải chạy thận nhân tạo là lượng kali máu > 6,5mmol/1). Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai từng chứng kiến một số bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu, có thể điều trị bảo tồn, nhưng uống thuốc nam đã bị chuyển ngay sang giai đoạn cuối!

Với những người đã bị suy thận, bên cạnh những lời khuyên cụ thể của thầy thuốc, cần chú ý thực hiện những hướng dẫn cơ bản: kiểm soát điều trị bệnh huyết áp; tiểu đường (nếu có); chú ý tình trạng thiếu máu của mình; tiêm phòng vaccine viêm gan B, C, bỏ thuốc lá, rượu, ma túy để tránh bội nhiễm; thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt (giảm đạm, đủ nước, đủ calo, giảm muối, kali).

Theo Theo Thế giới mới