'Thời tiết phức tạp, cần cảnh giác với bệnh dịch'
Các Website khác - 09/06/2005
Ông Trịnh Quân Huấn.

Do thời tiết phức tạp nên nếu không cảnh giác, các vụ dịch viêm não, sốt xuất huyết vẫn có thể xảy ra, cho dù con số mắc các bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ông Trịnh Quân Huấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lý giải về vấn đề này.

- Những ngày gần đây tại miền Bắc, số ca viêm não trẻ em nhập viện tăng. Phải chăng dịch viêm não đang bùng phát ở vùng này?

- Thời điểm này đang là mùa của viêm não nên việc gia tăng các ca bệnh là bình thường. Tình hình bệnh hiện nay vẫn được coi là ổn định. Các ca viêm não chỉ xuất hiện rải rác nên không thể coi là dịch. Mặt khác, mấy năm nay, do văcxin phòng viêm não Nhật Bản đã được đưa vào tiêm cho trẻ em một số vùng trọng điểm (ở miền Bắc là Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Hưng Yên...) nên tỷ lệ bệnh này đã giảm nhiều. Tuy nhiên, các vụ dịch nhỏ vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta thiếu cảnh giác, vì sau thời gian nắng nóng kéo dài, mưa xuống sẽ làm muỗi - vật trung gian truyền bệnh viêm não - phát triển nhanh.

- Lượng văcxin viêm não Nhật Bản hiện có đủ cho nhu cầu tiêm phòng của trẻ?

- Lượng văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì không đủ. Do điều kiện kinh phí có hạn nên Nhà nước chỉ có thể tiêm miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi ở những tỉnh trọng điểm của dịch viêm não. Tuy nhiên, những trẻ khác vẫn có thể tiêm dịch vụ, hầu hết các điểm tiêm chủng đều có văcxin này. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần lưu ý để tiêm đúng và đủ 3 mũi cho con, mũi thứ 2 cách mũi đầu 1 tháng và mũi thứ 3 sau đó 1 năm. Phải tiêm trước mùa dịch vài tháng vì nếu để đến khi có dịch mới tiêm, văcxin không thể bảo vệ trẻ ngay được. Ngoài virus viêm não Nhật Bản, còn một tác nhân gây viêm não rất nguy hiểm nữa là virus entero, chưa có văcxin phòng bệnh. Đây là loại virus đường tiêu hóa nên dễ lan truyền trong các nhà trẻ. Vì vậy, các nhà trẻ cần đảm bảo vệ sinh ăn uống cho các cháu, tiệt trùng tẩy uế hằng tuần để tránh xuất hiện viêm não hàng loạt.

- Bệnh sốt xuất huyết đang phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông, bệnh này có thể bùng phát thành dịch lớn như năm ngoái?

- Năm nay không nằm trong chu kỳ bùng phát dịch lớn của bệnh sốt xuất huyết. Số mắc sốt xuất huyết trong cả nước từ đầu năm đến nay giảm 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở miền Bắc, con số này là 100 ca, chỉ bằng một nửa so với 5 tháng đầu năm 2004. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, do sự phức tạp của thời tiết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể phát triển mạnh. Điều nguy hiểm là loại muỗi này có thể truyền mầm bệnh cho thế hệ sau.

- Theo dự đoán của ông, năm nay bệnh sốt xuất huyết sẽ phát triển mạnh nhất ở vùng nào và type nào sẽ là chủ đạo?

- Có khả năng miền Trung sẽ có dịch lớn hơn miền Nam. Tuy nhiên, số mắc sốt xuất huyết ở vùng này đến nay vẫn thấp hơn năm ngoái. Về type virus gây bệnh chính, tôi cho vẫn là D2. Đây là type virus gây diễn tiến lâm sàng nặng và có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong mùa dịch năm ngoái, type này cũng chiếm ưu thế.

- Còn cúm A H5N1, gần gây có phát hiện bệnh nhân mới?

- Bệnh này gần đây đã lắng xuống. Từ giữa tháng 5 đến nay chỉ phát hiện 3 ca, tất cả đều ở Hà Nội và có diễn tiễn nhẹ. Hiện nam bệnh nhân 30 tuổi đã ra viện. Hai bệnh nhân nữ còn lại đang điều trị tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Tất cả 3 người này đều mắc bệnh do liên quan đến gia cầm ốm. Tuy bệnh đã lắng nhưng chúng tôi vẫn không lơ là cảnh giác. Bộ Y tế vừa xây dựng xong kế hoạch hành động phòng chống cúm A và chúng tôi đang chuẩn bị triển khai.

Thanh Nhàn thực hiện


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA