Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng toàn thân do Salmonella typhi hoặc Salmonella paratyphi A, B, C gây ra. Salmonella là loại trực khuẩn gram âm, có lông di động, không có nha bào, sinh nội độc tố.
Trực khuẩn thương hàn có khả năng tồn tại trong nước từ 1 – 5 tháng, trong phân 1- 2 tháng, trong nước đá hay thực phẩm đông lạnh từ 2 – 3 tháng.
Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm, đồ uống bị nhiễm phân của người bệnh, hoặc ăn phải thức ăn tươi sống (rau sống) được rửa bằng nguồn nước đã bị nhiễm trực khuẩn thương hàn. Ngoài ra còn có một số trường hợp bị lây trực tiếp từ phân vào miệng (những người làm công tác vệ sinh, trẻ em bò lê la trên mặt đất).
Người ăn, uống phải thức ăn, nước uống có mầm bệnh cho đến khi phát bệnh (biểu hiện lâm sàng) có thể từ 3 ngày đến 3 tháng. Trung bình là từ 1–3 tuần, biểu hiện lâm sàng sớm hay muộn còn phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể người.
Sốt: Sốt tăng dần trong tuần lễ đầu và đạt mức cao liên tục 39 – 41o vào tuần thứ hai của bệnh tạo thành hình ảnh sốt cao nguyên, kèm theo sốt có ớn lạnh, rét run, hay rét từng cơn và đổ mồ hôi (trường hợp này nếu sống ở vùng sốt rét lưu hành rất dễ chẩn đoán nhầm với sốt rét) chiếm 1/3, mạch nhiệt phân ly chiếm từ 30 – 60%.
Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc: Người bệnh thường đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, những trường hợp nặng người bệnh ly bì, mê sảng.
Triệu chứng tiêu hóa: Bụng đầy hơi, óc ách, gõ hố chậu phải đục, gan lách to từ 1–3cm dưới bờ sườn mật độ mềm chiếm tỷ lệ 30 – 50% các trường hợp. Trong tuần đầu người bệnh thường bị táo bón xen kẽ với đi ngoài phân lỏng. Từ tuần thứ 3 đi ngoài phân lỏng, mùi khắm có lẫn máu.
Đào ban (hồng ban): Xuất hiện từ ngày thứ 7–10 chủ yếu ở bụng và hai bên mạng sườn, nốt ban tròn có đường kính từ 1– 2mm nổi gờ trên mặt da, đào ban bị mất khi lấy ngón tay đè lên.
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, bệnh xảy ra nhiều ở các nước vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra nhiều ở các tỉnh phía nam hơn là các tỉnh phía bắc.
Để phòng, chống bệnh cần phải triển khai các công tác sau:
- Luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân (không uống nước lã, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn), vệ sinh môi trường sống sạch.
- Tuyệt đối không dùng phân tươi để bón rau.
- Giữ gìn và bảo vệ nguồn nước tránh bị ô nhiễm.
- Những nơi hằng năm hay bị ngập úng, sau khi nước rút phải nạo vét lòng giếng và khử trùng nguồn nước bằng Cloramin B 6–8g/m3.
- Tích cực diệt côn trùng trung gian truyền bệnh (ruồi nhặng) bằng các phương pháp cơ học, hóa học.
- Khi điều trị cần cách ly bệnh nhân từ 2 – 3 tuần đến khi bệnh nhân hết sốt và kết quả xét nghiệm phân lần thứ 3 âm tính.
- Đồ dùng, vật dụng của người bệnh phải được khử trùng (luộc sôi hay ngâm trong dung dịch Cloramin B 3%). Khử trùng phân và chất nôn của bệnh nhân bằng Clorua vôi hay Cloramin B.
Điều trị
Ở vùng thương hàn chưa kháng thuốc: Có thể sử dụng một trong ba loại kháng sinh sau:
- Chloramfenicol 2–3g/ngày x 10–12 ngày.
- Ampixilin 3–4g/ngày x 10–12 ngày.
- Amoxicilin 3–4g/ngày x 10 –12 ngày.
Ở vùng thương hàn đã kháng thuốc thì sử dụng một trong các loại thuốc sau:
- Pefloxacine 400mg x 2v/ngày x 7 ngày.
- Ofloxacine 200mg x 2v/ngày x 7 ngày.
- Peflacine 400mg x 2v/ngày x 7 ngày.
- Ciprofloxacine 500mg x 2v/ngày x 5 - 7 ngày.
Chế độ ăn với người bệnh: Trong tuần đầu cho bệnh nhân ăn lỏng (cháo loãng), ăn đặc dần trong những tuần sau.
|