Hằng năm toàn thế giới có gần chín triệu người mắc lao mới và gần hai triệu người chết vì bệnh lao, mặc dù đã có phương cách chữa trị hiệu quả từ hơn 50 năm nay. Theo báo cáo chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ phát hiện người bệnh là nguồn lây nhiễm mới đạt khoảng 44% và tỷ lệ chữa khỏi đạt 81%. Trong khi đó, mục tiêu do Ðại hội đồng Y tế thế giới đặt ra cho năm 2005 là phát hiện được 70% số người bệnh và chữa khỏi cho 85% số người đó. Chính vì vậy, WHO đưa ra chủ đề ngày chống lao thế giới 24-3 năm nay tập trung vào những người tham gia hoạt động phòng, chống bệnh lao tuyến cơ sở và vai trò của họ trong sự nghiệp chống lao. Ðây là nhân tố quan trọng nhất đang truyền đạt thông điệp về dịch vụ chống lao, tiếp nhận, tư vấn cho người bệnh và chẩn đoán, cứu chữa cho hơn ba triệu người bệnh lao hằng năm.
Ở nước ta, Chương trình chống lao (CTCL) đã triển khai được mạng lưới chống lao trên phạm vi toàn quốc để mọi người dân, kể cả những người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những người già cô đơn... đều có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh lao. Nhiều năm qua, CTCL Việt Nam đã đạt và vượt các chỉ tiêu về phát hiện và điều trị khỏi cho người bệnh lao do WHO đặt ra cho những nước có gánh nặng bệnh lao. Thành công đó thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước tới công tác phòng, chống bệnh lao, đồng thời cho thấy sự đóng góp to lớn của các cơ quan, tổ chức xã hội trong nước, tổ chức quốc tế, các cá nhân đang hằng ngày tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh lao. Với những nỗ lực đó, CTCL Việt Nam đã phát hiện số người mắc bệnh lao đạt khoảng 80% và điều trị khỏi cho những người mới phát hiện đạt tỷ lệ hơn 90%. Những kết quả đạt được trong chỉ tiêu phát hiện và điều trị, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á đã đạt được mục tiêu của WHO đề ra.
Tuy đạt được những thành công đó, nhưng ở nước ta, bệnh lao còn phổ biến và ở mức trung bình cao. Theo thống kê của WHO, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trong 22 nước có số người bệnh lao cao trên thế giới; là nước có nhiều người bệnh lao đứng hàng thứ ba ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính tình hình bệnh lao của Việt Nam được dựa trên chỉ số nguy cơ nhiễm lao hằng năm trung bình là 1,7% (các tỉnh phía bắc là 1,2% và các tỉnh phía nam là 2,2%). Như vậy, mỗi năm nước ta có thêm hơn một triệu người nhiễm lao mới. WHO cũng ước tính hằng năm Việt Nam có khoảng 145 nghìn người mắc bệnh lao mới, trong đó có 65 nghìn mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn, là nguồn lây trong cộng đồng. Tổng số người bệnh lao trong cộng đồng tại một thời điểm là khoảng 221 nghìn người. Tỷ lệ chết do bệnh lao ở nước ta cũng khá cao: 26/100 nghìn dân, tương ứng với khoảng 20.800 người chết do lao mỗi năm. Như vậy, mỗi ngày ở Việt Nam, bệnh lao cướp đi sinh mạng của 57 người và làm cho 420 người mắc bệnh lao, trong số đó có 189 người mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn làm lây nhiễm cho cộng đồng.
Công tác phòng chống lao ở nước ta đang phải đối mặt với những thách thức mới: duy trì lâu dài những thành công đã đạt được, nâng cao chất lượng của CTCL quốc gia, nhất là tại các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và nhất là phải đối mặt với vấn đề lao kháng thuốc và bệnh lao kết hợp HIV/AIDS. Hiện nay bệnh lao kháng thuốc đã trở thành vấn đề toàn cầu và đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng kháng đa thuốc. Năm 1996 điều tra toàn quốc lần thứ nhất cho thấy tỷ lệ kháng thuốc chung tại Việt Nam là 32,5%, tỷ lệ kháng đa thuốc là 2,3%. Ðiều tra tình hình kháng thuốc lần hai được tiến hành năm 2001 và 2002, kết quả sơ bộ cho thấy 3% số người bệnh mới và 23,5% số người bệnh cũ đã kháng đa thuốc. Kết quả điều trị đối với người bệnh kháng thuốc thường không cao, nhất là đối với người bệnh kháng đa thuốc. Chi phí điều trị cho người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần với người bệnh không kháng thuốc và thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là người bệnh không hợp tác, không tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị được quy định của CTCL; do thầy thuốc kê đơn không đúng, do không phối hợp đầy đủ các nguồn thuốc chống lao, liều lượng thuốc không đủ, hướng dẫn người bệnh không đúng cách, điều trị không đủ thời gian... HIV là yếu tố nguy cơ làm cho người nhiễm lao phát triển thành người bệnh lao, nguy cơ đó cao gấp 30 lần so với người không nhiễm HIV. Ðại dịch HIV/AIDS đã làm tăng ít nhất 30% số người bệnh lao trên toàn cầu; bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong cho một phần ba số người bệnh HIV trên toàn thế giới. Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV tìm thấy trong nhóm người bệnh lao của Việt Nam tăng lên rõ rệt và đáng báo động là 4,3%, đặc biệt có 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ này hơn 5% (TP Hồ Chí Minh 9,3%; Hà Nội 8,3%, Hải Phòng 11,8%; Bình Dương tới 14%...) Ðồng nhiễm HIV và lao không chỉ làm tăng số người bệnh lao mà còn giảm hiệu quả điều trị của CTCL và làm tăng nhanh tỷ lệ tử vong do lao. Tỷ lệ khỏi trong nhóm người bệnh lao nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn 50%.
Ngân hàng thế giới đã tổng kết và đưa ra kết luận: bệnh lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy chúng ta cần tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh lao để góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng; giảm đói nghèo cho gia đình người bệnh và xã hội... Ðó là tiền đề để đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm một nửa số người mắc bệnh lao vào năm 2015 so với năm 1990.
|