Tìm hiểu về phác đồ điều trị lao - DOTS
Các Website khác - 02/04/2005
Phác đồ điều trị lao DOTS dùng phối hợp năm loại thuốc isoniazid, streptomycin, pyrazynamid, rifampicin và ethambutol nhằm làm thuốc sẽ tăng hiệu lực, chống sự đề kháng của vi khuẩn. Phác đồ này điều trị tổng cộng 8 tháng, đòi hỏi người bệnh phải rất kiên trì.
Phác đồ điều trị DOTS

Có rất nhiều loại thuốc điều trị lao nhưng chỉ có năm loại được chọn dùng trong chiến lược điều trị “hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát”, viết tắt là DOTS. Chúng đều ức chế hoặc diệt vi khuẩn lao nhưng theo các cơ chế khác nhau.

Năm loại thuốc đó là:

Isoniazid (viết tắt là H): kích hoạt enzym catalaz peroxydaz và acid mycolic của màng ngoài tế bào, dẫn đến phá hủy màng này của vi khuẩn lao (thể cấp và mạn). Khi tiêm hay uống, thuốc đi vào gan, chỉ một phần nhỏ bị acetyl hóa, phần còn lại kết hợp với acid amin để diệt vi khuẩn rồi bài tiết qua nước tiểu và sữa mẹ. Thuốc gây kích thích thần kinh, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ (vì thế dùng thêm vitamin B6 để tránh hiện tượng này), có thể gây viêm gan, vàng da (ngừng dùng thuốc, sau đó dùng lại với liều khác).

Streptomycin (viết tắt là S): gắn vào ribosom làm hỏng sự hình thành AND dẫn đến đảo lộn sự tổng hợp protein của loại vi khuẩn lao nằm ngoài tế bào (tức thể lao cấp tính). Khi tiêm, streptomycin khuếch tán nhanh vào máu diệt vi khuẩn lao, sau đó thải trừ qua thận. Thuốc làm tổn thương tiền đình, tổn thương dây thần kinh số 8, gây ù tai, giảm thính lực, nặng hơn nữa là gây điếc. Không nên dùng cho trẻ em.

Pyrazynamid (viết tắt là Z): kích hoạt enzym pyrazinamidaz làm đảo lộn sự chuyển hóa của vi khuẩn lao. Hoạt tính của nó thể hiện trên cả hai thể vi khuẩn lao nhưng mạnh hơn đối với vi khuẩn lao nằm trong tế bào và loại vi khuẩn lao dai dẳng. Thuốc làm ứ đọng acid uric gây bệnh goute.

Rifampicin (viết tắt là R): ức chế sự tổng hợp nucleic của vi khuẩn lao. Hoạt tính thể hiện trên tất cả các thể lao kể cả lao tiềm ẩn. Khi uống, thuốc vào gan chuyển hóa thành dạng acetyl có hoạt tính. Phần chưa được acetyl hóa bài tiết qua ruột rồi được hấp thụ trở lại, tiếp tục chuyển thành acetyl có hoạt tính, cuối cùng bài tiết qua nước tiểu. Nhờ chu trình khép kín này mà rifampicin có được nồng độ cao trong máu. Với người bệnh bị xơ gan thì hiệu quả của rifampicin bị hạn chế do việc chuyển hóa rifampicin bị rối loạn. Thuốc làm thay đổi chức năng gan.

Ethambutol (viết tắt E): tác động lên enzym arabinosyltranferaz, ức chế sự tổng hợp araninogalactan, một yếu tố tạo thành sườn của màng vi khuẩn lao, dẫn đến phá hủy cấu trúc màng này. Thuốc kìm nhưng không diệt được vi khuẩn lao.

Khi mới được phát minh, các thuốc này có tác dụng rất mạnh, như khi đưa isoniazid vào dùng năm 1952, tỷ lệ tử vong do lao đã giảm từ 80% xuống còn 20% và dù dùng một mình nó cũng chữa khỏi bệnh. Nay các thuốc đó vẫn còn tốt nhưng bị một số chủng lao kháng, vì thế người ta không dùng đơn độc một thứ mà dùng phối hợp và do sự tác động từ nhiều cơ chế phối hợp đó mà thuốc sẽ tăng hiệu lực, chống sự đề kháng của vi khuẩn.

Phác đồ điều trị lao DOTS thể hiện sự phối hợp này. Dùng thuốc 2 tháng liên tục hằng ngày (trừ chủ nhật) 4 loại: H, Z, S, R, sau đó dùng duy trì hằng ngày trong 6 tháng 2 loại: H, E. Viết gọn là 2SRHZ 6HE.

Những bất cập khi thực hiện phác đồ điều trị DOTS

Phác đồ điều trị DOTS đã được phổ biến rộng rãi vì thế số xã thực hiện phác đồ này thường cao, có nơi 100% thực hiện. Trong thực tế, tỷ lệ người bệnh có áp dụng và áp dụng đúng phác đồ DOTS lại không được cao như thế. Một phần do chưa làm đầy đủ công tác điều tra, một phần do người bệnh mặc cảm, giấu giếm nên vẫn có người bị bệnh lao mới chưa được phát hiện và quản lý. Một số thầy thuốc tư không thuộc chuyên khoa lao còn nhận chữa bệnh này. Một số thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin còn được bán khá dễ dãi. Điều này tạo cơ hội cho người bệnh tự ý dùng thuốc, có khi chỉ dùng một vài loại thuốc đơn độc (phổ biến nhất là dùng đơn độc rifampicin cho người lớn, isoniazid cho trẻ em) mà không dùng phối hợp như phác đồ điều trị DOTS.

Theo phác đồ điều trị DOTS, phải tiêm và uống tất cả mọi loại thuốc đủ liều cùng một lúc vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày nhằm làm cho thuốc có được nồng độ ổn định. Song ngay cả những người bệnh đã được quản lý có thể do bận việc hoặc không để ý nên thường uống thuốc không đúng lúc, phổ biến nhất là việc tiêm và uống thuốc thường bị lệch nhau. Theo phác đồ DOTS phải điều trị tổng cộng 8 tháng nhưng do thay đổi công việc, nơi sinh sống nên cá biệt vẫn có người điều trị cách quãng, thậm chí bỏ dở. Hai tháng đầu do người bệnh có BK dương tính trong đờm nên dễ lây lan cho người khác vì thế phải điều trị tấn công trong bệnh viện. Qua khỏi được giai đoạn này người bệnh không còn gây lây lan nữa nên 6 tháng sau có thể điều trị duy trì tại nhà. Hiện nhiều nơi không có bệnh viện lao hay khoa lao riêng, hoặc có nhưng không đủ sức thu dung nên đưa người bệnh lao ở giai đoạn đầu về trạm y tế xã, ở đó không có điều kiện cần thiết lại linh động cho về điều trị tại nhà. Kết quả là người bệnh khó tuân theo phác đồ DOTS và không cách ly được nguồn lây với người lành.

Tất cả những thiếu sót cá biệt trên làm hạn chế kết quả điều trị, làm lây lan cho cộng đồng, nguy hại hơn là làm phát sinh các chủng lao kháng thuốc.

Chiến lược DOTS là biện pháp tốt nhất để đẩy lùi và thanh toán bệnh lao. Vì thế để thực hiện tốt chiến lược này cần coi trọng công tác truyền thông, giáo dục cho người bệnh hiểu được tầm quan trọng và việc thực hiện theo đúng phác đồ điều trị; phát hiện, quản lý, điều trị sớm và đúng không để người bệnh tự ý dùng thuốc nhất là việc dùng thuốc đơn độc, đổi thuốc lung tung. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cán bộ y tế cơ sở và người bệnh thì việc điều trị lao theo chiến lược DOTS mới thành công.

Dược sĩ HỮU NAM
Theo Theo Sức khoẻ đời sống