![]() |
Hãy để trẻ tự xúc ăn. |
"Bà còng đi chợ trời mưa..." - chị Hoa mẹ bé Linh vừa lom khom bước vừa tự đấm lưng thùm thụp. Linh toét miệng cười như nắc nẻ. Chớp thời cơ, bà nội đút ngay thìa cháo vào miệng cháu. Linh giãy giụa, khóc váng lên rồi nôn hết nửa bát cháo mà bé đã phải ăn trong tiếng rưỡi đồng hồ.
Cứ đến bữa ăn là nhà chị Hoa như có loạn, tiếng khóc tiếng cười nối tiếp nhau. Bé Linh tuổi rưỡi nhưng chỉ nặng gần 9 kg, biếng ăn từ thời bắt đầu ăn dặm. Mỗi bữa của bé kéo dài khoảng 2 tiếng với đủ mùi nịnh nọt, lừa phỉnh, trấn áp và kết quả cuối cùng không bao giờ vượt quá nửa bát con cháo. Chị Hoa thường xuyên bị công ty phê bình là đi muộn về sớm, vì bữa ăn nào của con cũng phải có ít nhất 2 người phục vụ. Một người làm trò hề, một người lừa lúc bé há miệng (để cười hay vì thấy thú vị, ngạc nhiên) thì đút vội thìa cháo vào. Tuy nhiên, chiêu này có vẻ ngày càng kém hiệu nghiệm vì bé Linh đã cảnh giác hơn, nhiều lúc còn ho hắng và nôn hết thành quả 2 tiếng trời vật vã của bà và mẹ.
Cảnh bi hài trên có thể gặp ở bất cứ nhà nào có con nhỏ. Theo Phó giáo sư Đào Ngọc Diễn, Chủ tịch chi hội Dinh dưỡng nhi, có đến 25% số trẻ 1-10 tuổi bị biếng ăn. Đặc biệt, ở lứa tuổi 1-2, cứ 2 trẻ thì có một mắc phải tình trạng này. Ở những gia đình có trẻ từ chối ăn uống, toàn bộ nhân lực được huy động chỉ để bé chịu đón một thìa cháo. Đủ mánh khóe kỳ lạ được áp dụng: Bố thổi túi ny lông rồi đập cái bốp, trẻ khoái chí há miệng cười, mẹ đút; chú vẽ mày vẽ mặt làm Tôn Ngộ Không, vừa cười he hé vừa gãi sồn sột, trẻ cười, mẹ đút; bà gọi bác hàng xóm sang làm ngoáo ộp, bé sợ quá đành nghe lời há miệng ra; đưa cho bé miếng bim bim, bé định đưa nó vào miệng thì mẹ gạt tay ra để đút thìa cháo vào... Những trò "hao người tốn sức" này cũng chỉ có tác dụng trong một vài bữa. Sang ngày sau, người lớn trong nhà lại phải vắt óc để nghĩ ra những mẹo khác, và trẻ thì vẫn biếng ăn trường kỳ.
Bác sĩ Đào Ngọc Diễn cho biết, biếng ăn gây nhiều tác hại cả trước mắt và lâu dài (sụt cân, chậm phát triển thể chất và trí tuệ...) nên các bà mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng của con và can thiệp ngay khi đường biểu diễn còn nằm ngang chứ không đợi đến lúc nó đi xuống. Trước hết, phải xác định được nguyên nhân. Có nghìn lẻ một yếu tố gây chán ăn, được xếp vào 4 nhóm chính: do dinh dưỡng, do bệnh lý, do tâm lý và do dùng thuốc. Có bà mẹ ép con ăn quá nhiều bữa trong một ngày, gây ức chế sản xuất men tiêu hóa và cảm giác thèm ăn của trẻ. Có người đột ngột thay đổi chế độ ăn (từ bú sữa hoàn toàn sang ăn bột, hoặc từ cháo sang cơm) khiến trẻ không kịp thích nghi; hoặc cứ cho ăn mãi một thực đơn khiến bé phát ngán. Chế độ ăn thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, B, C, kẽm, đồng, sắt...) cũng khiến trẻ coi bữa ăn như cực hình.
Yếu tố tâm lý là một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ không thích ăn. Sự thay đổi môi trường như đổi giờ ăn, nơi ăn, người cho ăn... cũng khiến trẻ từ chối thực phẩm. Nỗi buồn, sự lo lắng, sợ hãi khi phải xa mẹ, hoặc cha mẹ cãi nhau... cũng làm trẻ không thiết gì ăn uống. Thường những trẻ được nuông chiều thái quá (con út, con một) thường dễ có tính hờn dỗi, hay khóc và bỏ ăn.
Nhiều loại thuốc có thể gây biếng ăn, chẳng hạn như viên sắt. Việc dùng vitamin A, D quá liều cũng gây tình trạng này. Trong trường hợp đó, chỉ cần ngừng dùng thuốc là bệnh sẽ hết. Việc dùng kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc tiết dịch vị nên gây biếng ăn. Điều cần làm là phục hồi sự cân bằng vi khuẩn đường ruột bằng cách cho ăn sữa chua hoặc men tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu các bà mẹ thấy mình đã cho con ăn đúng cách, trẻ cũng không có vấn đề gì về tâm lý và dùng thuốc mà vẫn biếng ăn trong một thời gian dài thì nguyên nhân có thể là do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó. Nên đưa bé đi khám để biết và khắc phục.
Để trẻ hứng thú hơn với ăn uống, cần tạo không khí vui vẻ trong bàn ăn. Hãy để bé sung sướng với cái ý nghĩ mình cũng là người lớn bằng cách cho ngồi ăn cùng với gia đình, để trẻ tự xúc ăn, tự quyết định sẽ ăn món gì, ăn bằng thìa hay đũa, bát to hay bát nhỏ... Như vậy, bé sẽ thấy trong việc ăn uống một niềm vui được bộc lộ cá tính. Tuyệt đối không bao giờ nên mắng mỏ, dọa dẫm hay tỏ ra lạnh nhạt, khiến bữa ăn trở thành gánh nặng. Khi bé có tiến bộ, đừng tiếc lời khen, trẻ sẽ tự hào và hăng hái hơn trong việc ăn uống.
Thực đơn cũng là điều đáng quan tâm. Hãy cho ăn những món mà bé thích. Đừng ép ăn những món bé sợ, nhưng cũng đừng để bé tẩy chay chúng. Bạn nên tập cho con ăn dần dần và nhớ rằng, những món nào bé không tập ăn thời thơ ấu thì khi lớn lên, bé hầu như không thể ăn được những món đó. Bố mẹ nên gương mẫu trong ăn uống để dạy trẻ, chẳng hạn ăn có giờ giấc, không ăn vặt, uống nước ngọt trước bữa chính (vì sẽ ức chế bài tiết dịch vị, men tiêu hóa).
Bác sĩ Diễn cũng khuyên rằng, nếu bé đã tỏ ý dứt khoát từ chối thì điều các bậc cha mẹ cần làm là tạm thời chịu thua con, cho uống loại sữa bột năng lượng cao để cung cấp đủ năng lượng và vi chất (uống nhanh hơn ăn nên trẻ ít từ chối). Nếu ép quá, trẻ sẽ có thái độ thù địch với việc ăn uống và càng khó khắc phục. Cũng đừng bao giờ bỏ đói trẻ với ý nghĩ là khi đói bé sẽ chịu ăn. Thực ra khi đói quá, ngay cả người lớn cũng không nhai và nuốt nổi.
Có thể áp dụng vài mẹo nhỏ để kích thích hứng thú ăn của trẻ: cho ăn cùng bạn, cho búp bê cùng ăn, cho đi nhà trẻ... Và cuối cùng, nên phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc vì cách này rất hiệu quả. Bác sĩ Diễn kể một ví dụ: Có lần khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một trẻ trên 6 tuổi, ở nhà không chịu ăn tí nào. Qua tìm hiểu, các bác sĩ biết cháu được nuông chiều thái quá nên hay làm nũng, lại không thiếu thốn gì nên hay từ chối ăn. Các bác sĩ quyết định cách ly bệnh nhi với bố mẹ bằng cách cho cháu nhập viện và mời bố mẹ về nhà. Ở bệnh viện, do thấy toàn người lạ, chẳng có ai để "bắt nạt" nên đến bữa, cháu tự ăn không cần ai bảo.
Bác sĩ Đào Ngọc Diễn khuyến cáo, khi trẻ kén ăn kéo dài gây sụt cân, chậm lớn, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để tìm nguyên nhân và khắc phục kịp thời.
Thanh Nhàn
▪ Chứng hoang tưởng (27/06/2005)
▪ Với trẻ cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu (27/06/2005)
▪ Thêm bằng chứng chocolate đen bảo vệ tim (27/06/2005)
▪ Chữa cao huyết áp bằng các loài hoa (25/06/2005)
▪ Làm vết thương mau lành sẹo (25/06/2005)
▪ 5 cách giảm cân hiệu quả (25/06/2005)
▪ Điều trị cho bé ngay từ trong bụng mẹ (25/06/2005)
▪ 'Thị trường thuốc vẫn chưa thật bình ổn' (25/06/2005)
▪ Hoa hòe giúp bảo vệ thành mạch (26/06/2005)
▪ Chuyện về người tìm ra văcxin phòng dại (26/06/2005)