'Thị trường thuốc vẫn chưa thật bình ổn'
Các Website khác - 25/06/2005
Giá thuốc ngoại vẫn rất cao.

"Mấy năm qua, mọi người cứ sôi lên vì chuyện thuốc men và đến nay, vấn đề này vẫn chưa giải quyết được. Trong các bệnh viện, thuốc nội vẫn chỉ chiếm 20% và thuốc ngoại vẫn bị trình dược viên làm giá" - ông Hoàng Hữu Đoàn, Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1 nói.

Tại Hội nghị về dược ngày 24/6 tại Hà Nội, ông Đoàn nói: "Chúng tôi mong chờ từng giờ từng phút sự ra đời của quy chế cung ứng thuốc cho cơ sở điều trị công. Các cơ quan chức năng hứa sẽ ban hành văn bản này từ tháng 6 năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa có". Vì vậy mà đến nay, thuốc nội vẫn chỉ ngấp nghé bên ngoài cổng bệnh viện, nhiều sản phẩm tuy rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại có cùng hoạt chất, công dụng và trình độ bào chế mà vẫn không bán được. Tại các địa phương, việc cung cấp thuốc vào bệnh viện thường được chỉ định cho một công ty nào đó độc quyền làm. Các công ty khác dù thuốc tốt hay rẻ hơn cũng không được tham gia.

Các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc thì cho rằng, việc giá thuốc ngoại bị đẩy lên cao một phần là do thuế. Ông Phạm Hưng Thịnh, đại diện Công ty dược phẩm trung ương 5 phát biểu: "Cục Quản lý dược nên làm việc với hải quan để họ áp thuế suất cho phù hợp. Nhiều khi hải quan áp giá để tính thuế không theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp mà tính theo bảng giá riêng để đánh thuế cao, khiến giá thuốc bị đẩy lên". Phía Cục Quản lý dược cũng cho biết, biểu thuế nhập khẩu không chi tiết được từng loại hoạt chất. Vì vậy, nhiều khi hải quan chỉ căn cứ vào tờ hướng dẫn sử dụng, xếp các thuốc có từ "giảm đau" vào nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt có thuế suất cao, mặc dù đó là thuốc chuyên khoa sâu, dạng bào chế hiện đại mà trong nước chưa sản xuất được. Bộ Y tế đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài Chính điều chỉnh giá thuế nhập khẩu, những thuốc mà trong nước cần mà chưa sản xuất được thì nên áp thuế 0% để người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Ông Phạm Hưng Thịnh cũng đề nghị, để các thuốc nhập khẩu được cung ứng kịp thời và giảm chi phí, Cục Quản lý dược cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn hàng nhập khẩu và bỏ bớt những thủ tục rườm rà, chẳng hạn như việc xin đơn nhập khẩu cho những thuốc đã có số đăng ký: "Việc phải xin đơn cho các thuốc đã có số đăng ký có lẽ cũng chẳng khác gì một người đã đi học, đi thi để được cấp bằng lái, thế mà khi đi xe từ tỉnh này sang tỉnh khác vẫn phải xin giấy phép".

Cục trưởng Cục Quản lý dược Cao Minh Quang thừa nhận là có nhiều bất cập trong xuất nhập khẩu thuốc do các văn bản pháp quy hướng dẫn thủ tục còn mơ hồ hoặc chưa hợp lý, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Ông cho biết các cơ quan liên quan đang nghiên cứu để sửa đổi.

Ông Quang cũng cho biết, do các quy định nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký (nhập theo đơn hàng) chưa đủ chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng làm ẩu. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đánh đồng thuốc chưa có số đăng ký với thuốc hiếm (rất ít bệnh nhân sử dụng nên các hãng dược ít nghiên cứu sản xuất) để đẩy giá lên cao. Vì chưa có số đăng ký nên việc kiểm tra theo dõi nguồn gốc và chất lượng thuốc là rất khó. Một số doanh nghiệp chỉ chú trọng việc tìm nguồn hàng rẻ mà xem nhẹ chất lượng. Chính vì vậy mà trong số thuốc nhập khẩu kém chất lượng bị phát hiện, loại chưa có số đăng ký (nhập theo đơn hàng) chiếm tỷ lệ lớn. Trong thời gian tới, Cục Quản lý dược sẽ siết chặt hơn các quy định nhập khẩu loại thuốc này.

Theo kết quả thanh tra dược 6 tháng đầu năm, giá thuốc cung ứng cho bệnh viện không biến động đáng kể do các đơn vị đã thực hiện đấu thầu mua thuốc trước 3-6 tháng. Khoảng 6% số mặt hàng trong bệnh viện tăng giá với mức trung bình 10%, chủ yếu thuộc nhóm kháng sinh, tim mạch, thuốc giảm đau và tiêu hóa.

Trên thị trường, khoảng 10% tổng số mặt hàng đang lưu hành có biến động về giá với mức trung bình 12%; trong đó thuốc sản xuất trong nước chiếm 60%, chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc bổ, tiêu hóa.

Việc kiểm tra lưu thông phân phối thuốc và giá thuốc sẽ tiếp tục được tiến hành trong thời gian tới.

Thanh Nhàn