Các nước hoạch định chính sách phòng, chống ma tuý như thế nào?
Báo Tiếng chuông - 30/03/2017
Trong công tác phòng, chống ma túy, việc xây dựng một chương trình, kế hoạch đúng đắn ở tầm vĩ mô luôn được xem là yêu cầu tối quan trọng cho mỗi quốc gia, bởi lẽ đây sẽ là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng khởi đầu cho việc thực hiện chương trình nhằm đạt được các mục tiêu trước mắt và lâu dài.

 

Cảnh sát Thái Lan chuẩn bị tiêu hủy khối ma túy trị giá 600 triệu USD

 

Các chương trình, kế hoạch này đồng thời cũng sẽ là căn cứ để chính phủ dự toán và phân bổ ngân ngân sách nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại liên quan đến ma túy. 

Ở các nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hoạch định chính sách và xây dựng các chương trình về phòng, chống ma túy, công tác này thường có sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn không chỉ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước mà còn có các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, kể cả tư nhân hoặc đại diện những đối tượng được hưởng lợi từ chương trình. Chưa hết, việc xây dựng một chương trình mới thường trải qua một quy trình rất nghiêm ngặt, từ việc đánh giá đúng thực trạng tình hình, chọn các mục tiêu ưu tiên, chọn các hoạt động mà chính phủ theo đuổi để hỗ trợ. 

Trong chương trình, kế hoạch này có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, từng tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội dân sự để tổ chức chỉ đạo và thực hiện. Việc phân bổ kinh phí để tổ chức thực hiện các hoạt động sẽ căn cứ mức độ ưu tiên của các hoạt động và khung thời gian mà chương trình đề ra.

Trong quá trình hoạch định chính sách hoặc xây dựng chương trình cho một giai đoạn dài, chẳng hạn Chương trình quốc gia về phòng, chống ma túy cho giai đoạn 5 năm hoặc Chiến lược quốc gia về phòng, chống ma túy cho giai đoạn 20-30 năm, các công đoạn nêu trên càng cần phải tiến hành thận trọng và tỷ mỷ.

Cụ thể là: việc thu thập đầy đủ các dữ liệu về thực trạng thị trường ma túy bất hợp pháp được tiến hành thông qua việc tham vấn ý kiến các chuyên gia từ phía cơ quan chính phủ, phi chính phủ (NGO), các viện nghiên cứu và ngay cả những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề ma túy sẽ cho Ban soạn thảo một bức tranh tương đối tổng thể và chi tiết về tính phức tạp của vấn đề ma túy, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung của chương trình, kế hoạch. 

Giảm các tác hại liên quan đến ma túy

Trong công tác phòng, chống ma túy, thông thường sẽ có rất nhiều mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách muốn theo đuổi. Phấn đấu cho một xã hội không có ma túy luôn được coi là một mục tiêu lý tưởng và cao đẹp nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện này, khi mà tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy đang là vấn đề hết sức nhức nhối ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì việc theo đuổi mục tiêu này ở nhiều nước không được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu vì điều đó gần như là không tưởng.

Nói cách khác, không một quốc gia nào trên thế giới trong tương lai gần có thể tiếp cận được mục tiêu này. Một chính sách tập trung vào việc xóa bỏ hoàn toàn thị trường bất hợp pháp các chất ma túy sẽ dẫn tới các hệ quả tiêu cực trên diện rộng hoặc càng đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc đánh giá các tác hại liên quan đến ma túy, và việc lựa chọn các ưu tiên để hành động cần có sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội, các cộng đồng bị ảnh hưởng, đặc biệt là cộng đồng sử dụng ma túy và những người nông dân ở vùng trồng cây có chất ma túy.

Trong các mục tiêu, việc chọn ra các hoạt động mà chính phủ sẽ theo đuổi và hỗ trợ để đạt được là việc làm rất cần thiết. Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng giúp cho các nhà hoạch định chính sách đề ra các chiến lược và chương trình đạt được những mục tiêu đề cập ở trên.

Ví dụ, việc triển khai hiệu quả và tính sẵn có, sự đa dạng của các chương trình điều trị nghiện ma túy sẽ giúp giảm đáng kể nhu cầu được tình trạng nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp vặt, gây rối trật tự hoặc nguy hiểm hơn là cướp của, giết người. Trong khi việc triển khai các chương trình cung cấp bơm kim tiêm sạch sẽ giúp làm giảm số ca nhiễm HIV và viêm gan C. Việc triển khai có hiệu quả Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone sẽ góp phần đáng kể giúp làm giảm các tác hại liên quan đến ma túy, như: giảm hành vi phạm tội, giảm số ca tử vong do tiêm chích heroin, tiêm chích sái thuốc phiện, giảm số ca lây nhiễm HIV, giảm thiệt hại về kinh tế do mất một lượng lớn tiền bạc người nghiện sử dụng để mua ma túy, giảm các xung đột giữa người nghiện và các thành viên trong gia đình hoặc các thành viên trong cộng đồng.

Điều quan trọng hơn cả là chương trình này sẽ giúp khôi phục khả năng lao động giúp những người nghiện có thể tiếp tục đóng góp của cải, vật chất cho xã hội. Mặc dầu quy mô và phạm vi của các chương trình này sẽ đối mặt với những khó khăn gây ra bởi sự thiếu thốn về kinh phí song việc triển khai hiệu quả các chương trình về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cho xã hội và sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn về mặt sức khỏe cộng đồng và các lợi ích xã hội nói chung.

Từ thực tế này mà các nhà hoạch định chính sách đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa khó khăn trước mắt (khó khăn về kinh phí) và mục tiêu lâu dài để đưa ra những quyết định đúng đắn và phân bổ nguồn kinh phí. Do khó có thể biết chắc chắn chính phủ có thể đảm bảo ngân sách chung cho các các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giáo dục, tư pháp hình sự và thực thi pháp luật, các nhà hoạch định chính sách đã chủ động cân đối một lượng ngân sách cho các hoạt động như đấu tranh với tội phạm ma túy, các chương trình phòng ngừa, điều trị nghiện và giảm hại liên quan đến ma túy.

Mặc dù đã có sự quan tâm như vậy, thực tế cho thấy, ở nhiều nước cho tới thời điểm hiện nay, việc phân bổ ngân sách phòng, chống ma túy vẫn thiên về lĩnh vực hành pháp hơn là phòng ngừa hoặc y tế cộng đồng. Việc chuyển đổi kinh phí từ lĩnh vực thi hành pháp luật sang lĩnh vực phòng ngừa nói chung và lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói riêng sẽ có tác động rất lớn đối với việc giảm tác hại liên quan đến ma túy.

Bài học từ sự thành công và thất bại trong công tác phòng, chống ma túy ở nhiều nước trong thời gian qua đã đặt ra sự cần thiết phải có một cơ chế hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình. Điều đó có nghĩa là phải có được mục tiêu và khung thời gian hợp lý và một sự cam kết mạnh mẽ để đạt được các kết quả đã đề ra. Đồng thời phải có sự đánh giá định kỳ (thường là 5 năm/1 lần).

Mặc dù nhiều nước đã xây dựng chiến lược quốc gia với đầy đủ mục tiêu nhưng lại ít quan tâm đến việc đánh giá một cách hệ thống và minh bạch. Việc thiếu các đánh giá này có thể sẽ dẫn đến việc tiếp tục thực hiện chính sách một cách không hiệu quả và bỏ qua các cơ hội đưa vào các giải pháp hiệu quả hơn.

Để đánh giá tiến độ và các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách về phòng, chống ma túy cần có những chỉ số thích hợp. Tuy nhiên, việc đánh giá này hiện nay có xu hướng nhằm vào các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực đấu tranh với tội phạm ma túy (số vụ, số đối tượng, lượng ma túy thu giữ). Thực tế cho thấy, các chỉ số này chưa thể đánh giá đúng tính hiệu hiệu quả của chương trình. Bởi lẽ ngay bản thân tình hình sử dụng ma túy giảm chưa chắc đã đảm bảo chắc chắn liệu các tác động về y tế và xã hội đạt được hay không.

Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, những đầu ra ưu tiên cho chiến lược quốc gia cần được cơ cấu nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực về y tế, xã hội và tăng cường tối đa cho việc phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương đó. Chính sách phòng, chống ma túy cần tập trung làm giảm các tác động tiêu cực của vấn đề sử dụng, mua bán, vận chuyển hơn là làm giảm quy mô, phạm vi của nó.

Chính sách phòng, chống ma túy ở nhiều nước hiện tập trung các nỗ lực làm giảm quy mô thị trường ma túy bất hợp pháp thông qua các giải pháp mang tính trừng phạt với mong muốn làm giảm tác hại liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, sau 50 năm những nỗ lực này không đạt kết quả mong muốn. Số loại ma túy và số lượng ma túy nhìn chung đang có dấu hiệu gia tăng.

Về lý thuyết, tập trung giải quyết quy mô thị trường ma túy bất hợp pháp thì giảm tác hại tuy nhiên, trên thực tế thì kết quả lại ngược lại. Ví dụ, tăng cường đấu tranh với mạng lưới mua bán, vận chuyển lại làm gia tăng bạo lực do các băng nhóm tội phạm tranh giành địa bàn. Hoặc các nỗ lực làm giảm một loại ma túy nào đó sẽ dẫn đến việc người nghiện chuyển sang sử dụng loại ma túy khác. Mặt khác, số liệu thống kê cũng không cho thấy sự liên quan giữa giá ma túy, độ tinh khiết ma túy trên đường phố với số vụ bắt giữ tội phạm ma túy. Đơn giản là, theo đuổi một mục tiêu lâu dài “xã hội không ma túy” sẽ là một chính sách không thực tế và dẫn tới một định hướng sai lệch về hành động và đầu tư nguồn lực. Trên thị trường tiêu thụ ma túy bất hợp pháp, việc bắt giữ ồ ạt người sử dụng ma túy sẽ làm gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe cộng đồng và vấn đề xã hội.

Tóm lại, thay vì tập trung vào bắt giữ, chính sách phòng, chống ma túy cần tập trung vào việc tăng mức độ an toàn cho cộng đồng và làm giảm các tác hại liên quan đến ma túy, ví dụ: tình trạng sử dụng ma túy quá liều, lây nhiễm HIV, viêm gan C qua con đường tiêm chích ma túy.

Sự phối hợp chặt chẽ

Có định hướng đúng, chọn đúng các mục tiêu cần ưu tiên là rất quan trọng song chưa đủ. Để đạt được các mục tiêu mà đã đề ra trong chương trình cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và thiết lập một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan. Vấn đề ma túy không thể giải quyết bởi một cơ quan, một ngành riêng lẻ. Một chiến lược tổng thể và gắn kết đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chính phủ thuộc các lĩnh vực Y tế, LĐTB&XH, Tư pháp, Giáo dục, Ngoại giao. Việc tổ chức triển khai thành công có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội dân sự và những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng mới đảm bảo cho sự thành công của một chiến lược phòng, chống ma túy. 

Chính sách phòng, chống ma túy cần phải khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, kể cả các nhóm yếu thế, và không chỉ tập trung vào các biện pháp mang tính trừng phạt. Số ca sử dụng ma túy có thể khác nhau trong từng nhóm đối tượng xã hội và có sự khác biệt giữa nước này và nước khác. Tuy nhiên, xu thế dường như khá ổn định trong tất cả các xã hội là tác hại liên quan đến ma túy tập trung chủ yếu trong các nhóm bị cách ly.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự

Trong lĩnh vực hoạch định chính sách về phòng, chống ma túy, các tổ chức xã hội dân sự đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phân tích các vấn đề liên quan đến ma túy, trong việc tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả triển khai các chương trình, các dịch vụ. Do họ là những người có kiến thức rất sâu sắc về nhu cầu ma túy bất hợp pháp và cộng đồng sử dụng ma túy cũng như năng lực tiếp cận các nhóm khó tiếp cận trong xã hội. Việc đóng góp của họ trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết. Điều này còn rất phù hợp đối với những người đại diện cho nhóm sử dụng ma túy, những người nông dân ở khu vực thường xảy ra tình trạng tái trồng cây có chất ma túy. Tuy nhiên, vì sự nhạy cảm chính trị mà ở nhiều nước, trong quá trình hoạch định chính sách phòng, chống ma túy vai trò của những nhóm người này thường bị bỏ qua.

Một điều rất đáng mừng là trong hệ thống cơ quan kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc, vai trò của họ ngày càng được ghi nhận. Cụ thể là, từ năm 2008, nhiều cơ chế, sáng kiến tạo sự gắn kết giữa các tổ chức xã hội dân sự với các hoạt động phòng, chống ma túy ở nhiều nước đã hình thành tạo cơ hội ngày càng lớn hơn để chính sách phòng, chống ma túy phát triển đúng hướng.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Văn phòng thường trực Phòng, chống tội phạm và ma túy

Bài viết có tham khảo tài liệu Hướng dẫn về xây dựng chính sách phòng, chống ma túy của IDPC (Hiệp hội quốc tế về Chính sách phòng, chống ma túy); Cuộc chiến chống ma túy và HIV/AIDS-Việc hình sự hóa vấn đề sử dụng ma túy đã làm phức tạp thêm đại dịch (Uỷ ban toàn cầu về Chính sách ma túy (tháng 6/2012); Giảm tác hại là gì? Quan điểm của Hiệp hội giảm hại quốc tế (Chương trình giảm hại quốc tế (2010).