Châu Âu cũng cần cải cách giáo dục
Theo một nghiên cứu mới đây do Andreas Schleicher của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, Châu Âu đang bị một số đối thủ cạnh tranh từ Châu Á vượt qua trong cuộc chạy đua về giáo dục (GD).  | Sinh viên ĐH Paris, Pháp. | Schleicher cho biết: "Thời điểm Châu Âu chủ yếu cạnh tranh với các nước có trình độ lao động thấp và nhân công rẻ mạt đã qua rồi. Hiện nay, các nước như Trung Quốc và Âận Độ bắt đầu cung cấp lao động trình độ cao với chi phí thấp. Điều đó đang làm thay đổi một cách sâu sắc các điều luật của cuộc chơi".
Ông cũng chỉ ra "phép màu" của Hàn Quốc: Vào những năm 1960, nước này có tốc độ tăng thu nhập thấp hơn các nước Nam Mỹ, thế mà hiện nay tỉ lệ những người ở độ tuổi 25-34 của nước này được đi học lên tới 97%, cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển.
Trong khi đó phần lớn các nền kinh tế lớn của Châu Âu như Anh, Pháp, và Italia đang chật vật để giữ hạng về GD, còn Đức thậm chí bị rớt hạng. Theo báo cáo, "Pháp và Đức - 2 quốc gia chiếm tới 35% trong nền kinh tế 11,6 nghìn tỉ euro của EU - không còn thuộc về những thủ lĩnh hàng đầu trên thế giới về phát triển tri thức và kỹ năng nghề nghiệp".
Một trong những nguyên nhân là sự phân biệt đẳng cấp - nhất là ở Đức, Pháp và Italia - được coi là lực cản đối với sự phát triển của những người trẻ tuổi. Nghiên cứu cho biết, "Những người Châu Âu có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn không có được cơ hội học tập như những người xuất thân trong các gia đình trung lưu và thượng lưu". Những đứa trẻ từ gia đình trí thức có cơ hội phát triển nhiều hơn gấp 4 lần so với trẻ em tại các gia đình lớp dưới. Còn bản thân các nhà GD cũng từ chối thay đổi công việc mà họ đang thực hiện bất chấp những đề xuất của các nhà nghiên cứu.
"GD ở Châu Âu tiếp tục là một ngành công nghiệp oặt oẹo, với những giáo viên làm việc tách biệt và hành nghề trên cơ sở kinh nghiệm dân gian" - Nghiên cứu cảnh báo.
Để Châu Âu có thể thay đổi hoàn toàn, Schleicher đưa ra 5 đề xuất chính. Theo ông, các quốc gia Châu Âu cần thiết lập mạng lưới các trường chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Việc ghi tên vào các trường chất lượng tốt hơn cần được cải thiện và phải khuyến khích các nguồn tài trợ công và tư. Các trường đại học cũng cần phát triển theo hướng phù hợp với chiến lược của các doanh nghiệp hiện đại và nên được quản lý bởi cả những người không thuộc môi trường hàn lâm.
Nghiên cứu khẳng định: "Các trường đại học Châu Âu không thể bắt kịp với sự phát triển của thời đại nếu các chính phủ không tiếp tục tạo dựng và gìn giữ một hệ thống trường đa dạng, bền vững và chất lượng cao có khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và dám chịu trách nhiệm với đầu ra của mình".
Hoàng Giang (Theo AFP) |