Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ
Các Website khác - 09/05/2006
Nga kỷ niệm lần thứ 61 Chiến thắng phátxít (9.5.1945 - 9.5.2006)
Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ
Elena Zubtsova (từ Mátxcơva) viết riêng cho Lao Động

"Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ..." - đó là lời trong một bài hát nổi tiếng thời Xôviết. Nhưng thực ra, nhiều phân đoạn trong cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của thế kỷ XX đã gắn liền với tên tuổi của những người phụ nữ Liên Xô. Họ sáng chói không chỉ trong sự nghiệp vệ quốc mà cả những năm tháng xây dựng sau chiến tranh.

Các nữ phi công Liên Xô trong
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Dường như phụ nữ và chiến tranh là hai khái niệm không thể dung hoà. Phái đẹp luôn gắn liền với mái ấm gia đình, nuôi dạy con cái và đức tính dịu dàng. Nhưng thực tế nghiệt ngã đã buộc phụ nữ phải từ bỏ những bộ xiêm y đẹp đẽ để khoác lên mình bộ quân phục, từ giã gia đình, con cái xông vào chốn sa trường để bảo vệ cuộc sống của dân tộc.

Lịch sử Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô đã khắc ghi tên tuổi của hàng triệu phụ nữ dũng cảm. Họ là những xạ thủ, phi công, điện báo viên, bác sĩ, y tá, du kích. Họ còn là những công nhân lao động cật lực trong các nhà máy tại hậu phương - những người dám gánh vác trên đôi vai nhỏ bé của mình những nghĩa vụ to lớn và sẵn sàng xả thân vì sự tồn vong của tổ quốc.

Bên cạnh đó, họ còn nắm giữ một vai trò cũng rất quan trọng khác là cổ vũ động viên chồng con, anh em chiến đấu ngoài mặt trận. Đứng chung chiến hào với những người phụ nữ tuy nhỏ bé, nhưng biết anh dũng vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc chiến, các chiến sĩ hồng quân đã lập nên những kỳ tích vĩ đại.

Sự hiện diện của phụ nữ tại chiến tuyến là bằng chứng không thể chối cãi về tinh thần ái quốc của nhân dân Liên Xô trong thập niên 1940. Không phải vô tình mà giàn hoả tiễn do những tổng công trình sư Liên Xô sáng chế ra - vào lúc cao điểm của cuộc chiến - lại được gọi một cách âu yếm là "Katyusha" - tên của cô gái trong bài hát chung thuỷ chờ đợi người yêu chiến đấu ngoài mặt trận.

Lấy tên các cô gái để đặt cho những loại tên lửa đã trở thành truyền thống trong binh chủng tên lửa, ngay cả sau khi chiến tranh đã kết thúc. Thuỷ thủ, phi công và ngay cả các nhà du hành vũ trụ đều tin vào sự may mắn do phụ nữ mang lại. Chẳng hạn, sân bay vũ trụ Plesesk có truyền thống ghi tên "Tatyana" lên tất cả những chiếc tên lửa sắp phóng.

Có vài ba cách lý giải cội nguồn của truyền thống ấy. Một số người cho rằng, vị chỉ huy đầu tiên của sân bay này có họ là Tatyankin và những người lính trong đơn vị đã viết chệch họ của ông lên tên lửa để lấy may. Một số người lại nghiêng về giả thiết truyền thống này xuất phát từ tên phu nhân của một trong những vị chỉ huy của sân bay. Bà được binh sĩ kính trọng và coi là người đỡ đầu. Dù thế nào thì những người lính cũng không coi nhẹ điều này. Đã xảy ra một vài trường hợp, vì nguyên nhân này khác, người ta quên không viết cái tên "Tatyana" lên tên lửa và những lần phóng đó đều không thành công.

Trong hai thập niên trở lại đây, uy tín của quân đội Nga bị tổn hại nghiêm trọng. Nó tụt hậu rất nhiều cả về mặt đạo đức và tinh thần so với thời quân đội Xôviết chiến thắng oanh liệt phátxít Đức và bảo vệ cuộc sống hoà bình của hàng trăm triệu người cho đến khi Liên Xô tan rã.

Giờ đây, phụ nữ Nga lại được nhập ngũ để giữ vai trò củng cố và đoàn kết trong quân đội - nhiệm vụ mà họ luôn gánh vác trong xã hội dân sự bấy lâu nay. Mới đây, quân đội Nga đã thành lập những đơn vị thiếu sinh quân nữ. Thật bất ngờ khi số lượng thiếu nữ ghi danh rất đông, khiến quân đội phải tổ chức thi tuyển. Các nhà giáo dục quân sự cho hay, các thiếu nữ tỏ ra không hề thua kém phái mạnh không chỉ về tính kỷ luật quân ngũ, rèn luyện thể chất, mà còn trong cả công tác huấn luyện nơi thao trường.

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nên kêu gọi phụ nữ nhập ngũ, bởi sự hiện diện của họ trong tập thể đàn ông sẽ tạo nên một quân đội kỷ luật hơn và có sức chiến đấu cao hơn. Như vậy là 61 năm sau chiến thắng vĩ đại, nước Nga lại một lần nữa đặt những kỳ vọng to lớn vào phái đẹp.

Quỳnh An dịch