Hơn một thập kỉ qua Trung Á đã trở thành nơi trung chuyển heroin quan trọng của thế giới, từ nơi sản xuất Afghanistan tới thị trường Châu Âu và LB Nga.
![]() |
Các nước Trung Á |
Tuy nhiên hiện nay, chính phủ các nước Trung Á lại đang phải đối mặt với một thách thức mới : sự gia tăng việc sử dụng heroin của chính người dân nước mình. Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, mức độ lạm dụng thuốc phiện ở khu vực này đã đạt tới mức báo động.
Thống kê của Văn phòng LHQ về chất kích thích và tội phạm (UNODC) cho thấy việc sử dụng chất gây nghiện ở Trung Á đã tăng gấp 17 lần trong giai đoạn 1990-2002, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ và các nước trong khu vực tách khỏi Liên bang. Số người nghiện, chủ yếu là heroin, ước tính chiếm tới gần1% dân số Trung Á và gấp 3 lần tỉ lệ của phần còn lại Châu Á.
Dân nghiện ngập không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm từ ma tuý. Ông James Callahan, đại diện của UNODC tại Trung Á cho biết : "70%-80% các ca mới nhiễm HIV là dân tiêm chích thuốc phiện. Đây là hiểm hoạ lớn nhất đang đe doạ chính phủ phần lớn các nước trong khu vực. Các chuyên gia nghiên cứu kết luận rằng nếu Trung Á không có biện pháp kiểm soát tình hình này, HIV có thể lây lan nhanh trong dân chúng qua quan hệ tình dục."
Cuộc chiến chống buôn bán ma tuý
Có lẽ cách hạn chế hữu hiệu nhất việc sử dụng heroin ở Trung Á là ngăn chặn số lượng ma tuý được trung chuyển qua khu vực này. Dẫu vậy, việc thực hiện nó không hề đơn giản bởi sự ngèo đói, nạn tham nhũng và mối quan hệ "thất thường" giữa các quốc gia chung đường biên giới.
Lượng heroin ở Trung Á năm 2003 (Nguồn : Liên Hợp Quốc) Tajikistan 5600kg Kazakhstan 707kg Uzbekistan 336kg Kyrgyzstan 105kg Turkmenistan 81kg
Theo các nhà phân tích xã hội, trong số 5 quốc gia khu vực Trung Á, Tajikistan được xem là nước có tình hình buôn bán, vận chuyển chất ma tuý nghiêm trọng nhất. Việc kiểm soát giao dịch bất hợp pháp ở nước này cũng khá khó khăn và hoàn toàn phụ thuộc vào thống kê ước lệ của chính phủ.
Tính toán của LHQ cho biết hiện Tajikistan, một nước chỉ có 6,3 triệu dân lại nắm giữ một lượng lớn heroin bằng với một nước có 161 triệu dân như Pakistan.
Giống như các nước còn lại trong khu vực, cuộc chiến chống buôn bán ma tuý ở Tajikistan gặp rất nhiều khó khăn và không hiệu quả bởi sự ngèo đói bắt rễ từ chính cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1992-1997 cũng như điạ thế bất lợi với 90% lãnh thổ là đồi núi, rất khó phát triển nông nghiệp. Hơn thế nữa với đường biên giới dài 1334km chung với Afghanistan thì lực lượng cảnh sát biên phòng chưa được huấn luyện kĩ càng và thiếu trang thiết bị đầy đủ sẽ không thể kiểm soát nổi bọn tội phạm ma tuý.
Những giải pháp tình thế
Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmonov phàn nàn rằng việc buôn bán ma tuý cần được ngăn chặn ngay từ nguồn ở Afghanistan chứ không phải ở nơi trung chuyển. Thêm vào đó cộng đồng quốc tế lại quá chậm trễ trong việc cung cấp tiền bạc và phương tiện hiện đại để tuần tra biên giới.
![]() |
Đường biên giới Tajikistan-Pakistan rất thưa thớt cảnh sát làm nhiệm vụ |
Trong khi đó, Gerald Moebius - một quan chức của UNODC lại cho rằng việc cần làm ngay là thành lập các cơ quan kiểm soát ma tuý trung ương tại tất cả các nước trong khu vực chứ không nên chỉ dựa vào cảnh sát biên giới và lực lượng an ninh chống tội phạm. Thêm vào đó về lâu dài Trung Á cũng cần thực thi ngay các chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế và cải cách hệ thống tiền tệ, giải quyết tận gốc nguyên nhân nuôi dưỡng nạn buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện đang hoành hành.
Liên Hợp Quốc cũng đề nghị các quốc gia khác trên thế giới giúp Trung Á thu thập các thông tin tình báo, bắt giữ và thẩm vấn những kẻ tình nghi trong mạng lưới tội phạm trước khi chúng kịp hành động.
Nếu tất cả các giải pháp trên được các nước Trung Á cũng như cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ thì trong tương lai không xa Trung Á sẽ không còn là điểm nóng về tội phạm ma tuý và số người nghiện heroin trên bản đồ thế giới.
Thanh Bình (Tổng hợp)
▪ Hiệp hội Nghị viện châu Á cam kết thúc đẩy hòa bình, đoàn kết (22/11/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (23/11/2005)
▪ Ông Ariel Sharon rút khỏi Đảng Likud (22/11/2005)
▪ Hứng chịu búa rìu dư luận về vụ Plamegate (22/11/2005)
▪ Tổng thống Nga V.Putin thăm Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác kinh tế (23/11/2005)
▪ "Ngày thứ ba đen tối" ở nước Pháp (23/11/2005)
▪ Một thập kỷ Hiệp định Dayton: Chặng đường dẫn đến dấu chấm hết (23/11/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (22/11/2005)
▪ Hình phạt khi con hư (21/11/2005)
▪ Iraq: 130 người Shiite thiệt mạng trong 2 ngày (21/11/2005)