Một thập kỷ Hiệp định Dayton cho Bosnia: Chặng đường dẫn đến dấu chấm hết Goran Vasiljevic (từ Belgrade) viết riêng cho Lao Động
Hôm 21.11, lễ kỷ niệm 10 năm Hiệp định Hoà bình Dayton cho Bosnia đã diễn ra tại Washington. Nhưng ẩn sau đó là lời cáo chung cho Hiệp định hoà bình, khi Mỹ yêu cầu đại diện ba cộng đồng tại Bosnia chấp thuận cải tổ hiến pháp, nói đúng hơn là thay đổi các thoả thuận trong Hiệp định Dayton.

| Một gia đình Bosnia đi thăm mộ người thân chết trong cuộc nội chiến 1992-1995. | "Kiến trúc sư" hay "phá sư" 10 năm trước, cũng vào ngày 21.11, thế giới đã chứng kiến thời khắc lịch sử khi nhà ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke trình lên Tổng thống Bill Clinton văn bản Hiệp định Hoà bình Dayton, với chữ ký của các bên tham chiến tại Bosnia (đại diện cộng đồng Hồi giáo, người Croat và người Serb), như một thông báo chính thức: Cuộc nội chiến tại Bosnia đã chấm dứt. Ông Holbrooke khi đó đã được tôn vinh như "kiến trúc sư" cho hiệp định đã đem lại hoà bình cho người dân Bosnia. Cái giá cho hoà bình khi đó là Bosnia và Herzegovina được chia thành 2 thực thể: Một chính quyền của người Serb được gọi là CH Srpska và một là liên bang Bosnia - Herzegovina của người Croat và Hồi giáo.
Một thập kỷ đã qua đi, với những người được cho là đã kiến tạo nên Hiệp định Dayton, thì văn bản đó đã cũ rích, đang cản trở tiến trình phát triển. Việc Washington thúc ép đại diện các thành viên trong Hội đồng Tổng thống Bosnia - gồm đại diện người Serb, Croat và Hồi giáo - có mặt ở Mỹ hôm 21.11, tất nhiên không chỉ để chào mừng 10 năm Hiệp định Dayton, mà thông điệp chính được đưa ra là "phải thông qua các cải cách hiến pháp hữu hiệu hơn cho Bosnia và Herzegovina, nếu không sẽ phải đối mặt với sự cô lập".
Thứ trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Nicholas Burns tuyên bố hôm 21.11: "Hiệp định Dayton đã thiết lập nên một quốc gia với sự chia rẽ bên trong, một "bức tường Berlin" chia cách các cộng đồng, vì đó là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh... 10 năm đã qua, và bức tường đó cần được xoá bỏ".
Tuyên bố của ông Burns được đưa ra giữa những thông tin rằng 3 đại diện cộng đồng tại Bosnia - Hồi giáo, Serb và Croat - đã không thể đạt được thoả thuận về đổi mới Hiến pháp Bosnia trong cuộc gặp cuối tuần trước tại Washington. Tuy nhiên, cộng đồng người Serb nói "không", và muốn duy trì CH Srpska như một thực thể riêng rẽ khỏi phần còn lại của Bosnia.
Điều này tất nhiên không vừa ý Mỹ. "Kiến trúc sư" Holbrooke tại cuộc hội thảo hôm 21.11 đã lớn tiếng yêu cầu ông Ivo Miro Jovic - Chủ tịch người Serb trong Hội đồng Tổng thống Bosnia, nên tuân theo những sự cải tổ. "Nếu cứ phụ thuộc vào khung pháp lý Dayton như hiện nay, có nghĩa ông đang kìm hãm tiến trình phát triển" - Holbrooke nói với ông Jovic.
"Những người muôn năm cũ" Điểm lại những gương mặt đã tham gia ký kết Hiệp định Dayton, thì hai đại diện cộng đồng Hồi giáo và Croat đã qua đời. Đại diện cho cộng đồng người Serb tại Bosnia là S.Milosevic đang ngồi trong nhà giam của Toà án The Hague - với tội danh tội phạm chiến tranh. Chỉ có "kiến trúc sư" Holbrooke là vẫn tiếp tục vòng quanh thế giới, để quảng bá cho các cuốn sách của ông ta và thuyết giảng về hoà bình tại các trường đại học.
Lễ kỷ niệm 10 năm Hiệp định Dayton dường như đang trở thành dấu mốc cho nguy cơ chấm dứt sự tồn tại của văn bản đã giúp làm ngưng chiến tại Bosnia và Herzegovina. CH Srpska là một phần trong bản thoả thuận, nhưng Washington đã chính thức công bố "bức tường" đó phải bị xoá bỏ, càng sớm càng tốt. Liệu câu nói trên có thể dẫn tới sự cáo chung cho Hiệp định Dayton, khi nó vừa mới kỷ niệm 10 năm tồn tại? Có lẽ, trong ngày một, ngày hai, câu hỏi đó chỉ còn là sự day dứt đối với những người thực sự mong chờ nền hoà bình trên mảnh đất Bosnia.
Phương Thuỷ dịch |