Đông Timor trong cảnh "nồi da nấu thịt" Giao tranh dữ dội tại Đông Timor đã có chiều hướng giảm từ đêm 25.5, sau khi lực lượng biệt kích đầu tiên của Australia tới và nhanh chóng tiếp quản nhiệm vụ bảo đảm an ninh tại sân bay quốc tế và các đường phố chính ở thủ đô Dili.
Phát biểu hôm 26.5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Brendan Nelson cho hay sẽ triển khai toàn bộ lực lượng 1.300 quân Australia tới Dili trong 2 ngày 26-27.5. Tiếp bước Australia, Thủ tướng New Zealand - bà Helen Clark - cũng cho hay sẽ gửi 2 máy bay quân sự và một số binh sĩ tới thành phố miền bắc Darwin để giúp sơ tán và vận chuyển binh sĩ. Bồ Đào Nha hứa sẽ gửi 120 nhân viên quân cảnh tới giúp vãn hồi trật tự. Còn tuy Malaysia hôm 25.5 thông báo hoãn triển khai 500 nhân viên quân sự và cảnh sát tới Đông Timor để chờ xem xét kỹ lưỡng sứ mệnh này, song các nhân chứng nói đã nhìn thấy các binh sĩ Malaysia tham gia tuần tra trên đường phố Dili hôm 26.5. Mới giành được độc lập từ năm 1999, quốc đảo Đông Timor gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thực thi nhiệm vụ xây dựng được lực lượng quân đội mạnh. Dẫu sao, với sự hỗ trợ của các cố vấn cảnh sát và quân sự của LHQ, lực lượng quân đội Đông Timor cũng đã hình thành với chỉ vẻn vẹn 1.400 quân. Song rạn nứt lại bắt đầu chính từ đây, khi số quân nhân xuất thân từ Tây Timor (vẫn thuộc Indonesia) tỏ ra bất bình trước việc họ bị phân biệt đối xử trong các quyết định thăng chức mà họ cho rằng chỉ ưu ái người Đông Timor. Rạn nứt từ hàng ngũ quân nhân lan sang cả giới cảnh sát và căng thẳng nội bộ được châm ngòi từ tháng 2, khi hơn 400 binh sĩ bãi công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và xoá bỏ tệ phân biệt đối xử. Hậu quả là chính phủ ra quyết định sa thải gần 600 người (gần 1/2 lực lượng quân đội) hồi tháng 3. Cuộc míttinh của những người ủng hộ các binh lính bị sa thải sau đó biến thành bạo động, khi Lực lượng an ninh chính phủ nổ súng vào đám đông làm 5 người thiệt mạng. Làn sóng bạo lực kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay đã làm hàng chục người chết và bị thương, hơn 21.000 người dân Đông Timor phải đi sơ tán lánh nạn. Xung đột đặc biệt leo thang kể từ ngày 23.5, với các vụ đọ súng xảy ra liên miên quanh thủ đô Dili, kể cả tại khu vực gần dinh tổng thống. Vụ tồi tệ nhất xảy ra hôm 25.5, khi các binh sĩ nổi dậy tấn công trụ sở chính của cảnh sát quốc gia tại Dili. Một số cố vấn cảnh sát và quân sự của LHQ đã tới giúp thương lượng với lực lượng nổi dậy để họ ngừng bắn, với điều kiện là các nhân viên cảnh sát sẽ rời trụ sở và giao nộp vũ khí. Bất ngờ, khi các cảnh sát không vũ trang đang được hộ tống ra ngoài, phía nổi dậy nổ súng bắn chết 9 người và làm bị thương 27 người, trong số bị thương có 2 cố vấn cảnh sát LHQ. Vụ này đưa tổng số người chết trong làn sóng bất ổn ở Đông Timor lên ít nhất 14 người. Đông Timor vốn chia sẻ đường biên giới với khu vực Tây Timor của Indonesia, trở thành quốc gia trẻ nhất trên thế giới từ năm 2002 sau khi giành được độc lập. Còn Australia vốn đứng đầu lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ tại đây năm 1999. Một năm sau lực lượng này rút đi, chỉ còn lại một phái đoàn của LHQ mà lẽ ra đã kết thúc nhiệm kỳ hôm 20.5, song đã phải gia hạn thêm 1 tháng trước làn sóng nổi dậy ở Đông Timor. L.L.Q (Theo AP, BBC...) |
▪ Ông bà Kofi Annan tôn vinh sự học (26/05/2006)
▪ Việt Nam cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng (26/05/2006)
▪ Hàn Quốc hướng tới hỗ trợ các cặp vợ chồng quốc tế (26/05/2006)
▪ WHO chưa tăng mức cảnh báo dịch bệnh H5N1 (26/05/2006)
▪ "Tôi sẽ trở lại!" (26/05/2006)
▪ Một ngày thăm Hà Nội của TTK Kofi Annan (25/05/2006)
▪ Đại sứ Singapore thăm toà soạn Báo Lao Động (25/05/2006)
▪ Lụt lớn ở miền bắc Thái Lan do mưa lớn và lở đất (25/05/2006)
▪ Yêu cầu Uỷ ban Châu Âu điều trần về áp thuế phá giá giày da với Việt Nam (25/05/2006)
▪ Hạ viện Italia đã thông qua danh sách chính phủ mới (25/05/2006)