Đụng độ đẫm máu ở Nepal Ngày 9.8, quân đội Nepal cáo buộc phiến quân hành quyết 40 binh lính của chính phủ trong cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ khi quốc vương thâu tóm quyền lực tháng 2 vừa qua. Đại sứ Mỹ tại Nepal James F. Moriarty đã cảnh báo về nguy cơ đất nước này lâm vào tình trạng náo loạn.
Một sĩ quan quân đội Nepal tiết lộ cho Hãng tin Pháp AFP việc 227 lính đồn trú tại Kalikot đã bị phiến quân tấn công đêm chủ nhật. Tờ Thời báo Himalaya đưa tin 1.400 phiến quân đã tham dự vào cuộc tấn công ở Kalikot. Cuộc đụng độ kéo dài 11 tiếng đồng hồ. Ngoài 40 người bị sát hại, đã tìm thấy 111 người, 76 người khác thuộc diện mất tích. Đây là số binh sĩ có nhiệm vụ bảo vệ công nhân thi công tuyến đường cao tốc nối hai đô thị miền tây là Surkhet và Jumla. Phiến quân nêu con số tử vong của mình là 26 và thừa nhận đã sát hại được 159 lính chính phủ. Chính phủ Nepal bác bỏ thông tin này, đồng thời tuyên bố đã tiêu diệt 300 phiến quân. Các con số thiệt hại trên đều chưa được kiểm chứng, nhưng vụ hành quyết 40 lính chính phủ là có thật. Phiến quân làm như vậy để phản đối chính sách truy quét phiến quân mà Quốc vương Gyanendra theo đuổi kể từ khi thâu tóm quyền lực. Các nhà phân tích cho rằng quân đội chính phủ hầu như không làm được gì nhiều trong chiến dịch này. Tuy nhiên, quân đội Nepal khẳng định vẫn tiếp tục truy kích phiến quân tại khu vực này, "quyết không để tên nào chạy thoát". Trước nguy cơ bị dồn vào chân tường, phiến quân tỏ ra hung hãn hơn. Lực lượng này đòi lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập nhà nước cộng hoà từ năm 1996. Hơn 12 nghìn người đã chết trong cuộc xung đột này. Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích đều cho rằng sự chia rẽ giữa hoàng gia và các đảng phái chính trị rất sâu sắc và gay gắt. Cách tốt nhất hiện nay giúp Nepal tránh được đổ máu và hỗn loạn là khôi phục các nguyên tắc tự do, quyền công dân và nền dân chủ, đồng thời tiến hành quá trình hoà giải giữa các lực lượng chính trị hợp pháp. Đến 10.8, quân đội Nepal đã giành quyền kiểm soát một số điểm trọng yếu. Thời báo Himalaya cho hay, nếu quân đội cho trực thăng đưa quân tới chi viện, thì phiến quân sẽ rút vào rừng. Song trên thực tế, quân đội đã đưa thêm quân đến đây với nhiệm vụ chính là tìm và giải cứu 100 binh sĩ hiện đang bị coi là mất tích. Toàn bộ khu vực này đã bị bao vây chặt. Người ta lo ngại rằng những binh sĩ trên bị phiến quân bắt giữ làm con tin để đổi lấy an toàn cho chúng và nếu quân đội mạnh tay, tính mạng 100 binh sĩ sẽ bị đe doạ. Ông Ian Martin - đại diện Cao uỷ Nhân quyền của LHQ tại Nepal kêu gọi phiến quân đối xử khoan hồng với tù binh theo đúng luật pháp quốc tế. Cũng trong ngày 9.8, sáu sinh viên Nepal bị bắt giam vì tội xé ảnh hoàng gia trong cuộc biểu tình đã được trả tự do sau khi ngồi tù hơn ba tuần. Họ đã được hơn 400 người ủng hộ chào đón bên ngoài nhà tù trung tâm ở Kathmandu. Việc xé ảnh hoàng gia ở Nepal bị quy vào tội "khi quân" và bị phạt tù. Thế Hưng (Theo AFP, BBC, ABC) |
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (11/08/2005)
▪ Ấn Độ: Lật lại hồ sơ vụ tàn sát người Sikh (11/08/2005)
▪ Cướp ngân hàng theo kiểu Hollywood (11/08/2005)
▪ Hai công dân VN bị bắn tại Thái Lan (11/08/2005)
▪ Lại chuyện “Khangate” (10/08/2005)