Không bỏ lỡ cơ hội
Các Website khác - 01/06/2006
Không bỏ lỡ cơ hội

Ngay sau lễ ký kết, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Phó Đại diện Thương mại Mỹ đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Thứ trưởng Bộ Thương mại VN
Lương Văn Tự và Phó đại diện
thương mại Hoa Kỳ Bhatia Karan
ký kết các văn bản thoả thuận.
´ Để hiệp định trên được thực thi, Quốc hội Mỹ cần phải bỏ phiếu thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Chỉ còn hai tháng nữa, liệu có kịp?

Ông Bhatia: Hiện thời gian không còn nhiều, nhưng tôi lạc quan vì cả các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Cộng hoà đã thảo luận về vấn đề này và có những tín hiệu rất tốt. Việc đẩy nhanh thông qua PNTR không chỉ giúp Việt Nam sớm gia nhập WTO trong năm nay, mà còn giúp Mỹ tham gia tích cực hơn vào khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đang tích cực làm việc để thúc đẩy thông qua PNTR cho VN một cách nhanh nhất.

´ Hiệp định vừa ký kết có thay thế Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) hay không?

Ông Bhatia: Hiệp định mới bổ sung và dựa trên nguyên tắc của BTA.

´ Đàm phán Việt - Mỹ luôn khó khăn. Sau khi đã đạt thành quả này, hai ông rút ra bài học gì cho những lần đàm phán tiếp theo trong tương lai?

Ông Tuyển: Tôi chỉ xin kể một câu chuyện vui. Trong các lần đàm phán căng thẳng với Đại diện thương mại Mỹ Rob Portman, tôi có nói với ông ta là: "Ông đưa ra cơ chế này chẳng khác gì một ông bố vợ gả con gái cho người ta, nhưng lại cấm chàng rể ngủ với con gái ông". Ông Portman sau đó suy nghĩ và trả lời: "Ông sẽ được cưới cô gái ấy và ngủ với cô ta, miễn là ông đối xử tử tế với cô ấy". Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn. Vấn đề là phải tìm giải pháp để vượt qua những khó khăn đó.

Ông Bhatia: Tôi học được bài học về tính nguyên tắc là khi đàm phán với ông Tuyển mà ông ta không ngủ được vào ban đêm thì chẳng ai ngủ được. Ông Tuyển là nhà đàm phán tuyệt vời và ông có một đội ngũ đàm phán mạnh. Bài học thứ hai là mặc dù chúng ta đều là những nhà đàm phán khắt khe, nhưng nếu tin tưởng vào tình hữu nghị hai nước thì sẽ vượt qua được tất cả những trở ngại và đi đến ký kết hiệp định thành công.

´ Xin hỏi thêm ông Tuyển là trong phiên đàm phán cuối cùng, ông đã đứng dậy bỏ khỏi bàn đàm phán. Nhiều người cho đó là yếu tố quyết định dẫn tới thành công của cuộc đàm phán. Ông làm như vậy là có chiến thuật?

- Chả phải chiến thuật gì đâu. Tôi đã từng đàm phán nhiều. Trước đây đàm phán BTA cũng gian khổ lắm. Cá tính của tôi là vậy. Nếu đối tác đưa ra những đòi hỏi không hợp lý thì tôi không bàn. Tôi không bàn trên những tiền đề không hợp lý.

´ Các bộ trưởng APEC luôn thúc đẩy kết thúc vòng đàm phán Doha. Nhưng nếu Doha kết thúc sớm, trong khi Việt Nam chưa gia nhập WTO thì chúng ta sẽ gặp nhiều bất lợi. Bộ trưởng bình luận thế nào về vấn đề này?

- Trước khi chính thức ký thoả thuận này, tôi đã nói với các quan chức thương mại Mỹ rằng, sẽ có 3 sự kiện gắn kết chặt chẽ với nhau vào mùa thu Hà Nội. Đó là: VN gia nhập WTO, Tổng thống Bush sang thăm Việt Nam và Hội nghị cấp cao APEC. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều không để lỡ một cơ hội nào. Và tôi chắc chắn việc VN gia nhập WTO không thể diễn ra sau khi kết thúc vòng đàm phán Doha.

´ VN đã sẵn sàng đón nhận thách thức này chưa và có vượt qua được không?

- Độ sẵn sàng của các DN đang khác nhau. Tốc độ vận động lớn hơn ở khối tư nhân và nước ngoài, trong khi khối nhà nước chậm nhịp. Chúng ta mở cửa cho DN tư nhân hơi muộn, nên họ ít có điều kiện để tích tụ vốn, phát triển thị trường. Nhưng tôi tin họ sẽ vượt lên. Còn các DN nhà nước thì cần cải tiến nhiều.
Trí Minh ghi